Khám sức khỏe định kì sao cho đúng?

Posted on at


Khám sức khỏe định kì rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là khám sao cho đúng, tầm soát sao cho chuẩn?

Khám bệnh và khám…“khỏe”

Trước hết, có thể khẳng định đối với hầu hết các bệnh lí, người dân thường đến khám ở giai đoạn trễ khi các chọn lựa điều trị ít nhiều bị hạn chế và giảm tác dụng. Sự chậm trễ này bắt nguồn từ nhận thức không đầy đủ về việc khám bệnh. Trước giờ chỉ nghe nói đi khám bệnh chứ ít nghe đi khám… khỏe, bởi quan niệm nếu khỏe cần gì phải đi khám?

Đối với người ngoài ngành y, trạng thái sức khỏe được định nghĩa khá đơn giản: Có bệnh nghĩa là không khỏe, ngược lại khỏe có nghĩa là… không bệnh. Tuy nhiên, có một trạng thái khá đặc biệt và vô cùng quan trọng nhưng thường bị bỏ qua: Có bệnh nhưng vẫn khỏe.

Thực tế, phần lớn bệnh tật đều diễn biến qua hai giai đoạn: Tiền lâm sàng và lâm sàng. Giai đoạn tiền lâm sàng tương ứng với thời kì các tác nhân gây bệnh đã xuất hiện và tiến triển theo chu kì nhưng bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện bên ngoài, nhưng vẫn có thể nhận biết nếu thực hiện các xét nghiệm tương ứng. Tùy theo loại bệnh mà thời gian này có thể kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm. Đối với ba nhóm bệnh thường gặp nhất: Ung thư, truyền nhiễm và rối loạn chuyển hóa, cách thể hiện của ba nhóm bệnh này gần tương tự nhau.

Không có mốc cụ thể nào giữa giai đoạn tiền lâm sàng và lâm sàng. Rất nhiều bệnh nhân vẫn cảm thấy mình rất khỏe nhưng qua xét nghiệm hoặc qua hỏi bệnh tỉ mỉ của bác sĩ, những triệu chứng nghiêm trọng mới lộ ra. Đó chính là ý nghĩa của việc khám khi “khỏe”.

Ý nghĩa của việc khám định kì

Việc khám “khỏe” nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để có hướng điều trị hiệu quả hơn. Tuy nhiên khám thế nào là đủ và đúng? Dựa vào đặc tính bệnh lí của những bệnh thường gặp, việc khám sức khỏe định kì được khuyến cáo nên thực hiện hằng năm, trừ khi có chỉ định đặc biệt cần theo dõi sát hơn. Có rất nhiều nhóm bệnh khác nhau nên việc tầm soát và thăm dò không thể nào bảo đảm 100%, chỉ giới hạn trong những bệnh thông thường và nguy hiểm nhất. Các gói khám định kì thường bao gồm việc khám nội tổng quát và phụ khoa, X-quang phổi, siêu âm bụng, điện tim, độ loãng xương, các xét nghiệm bao gồm công thức máu, nước tiểu, chức năng gan thận, các chất mỡ và cô-lét-xtơ-rôn, a-xít u-ríc và các xét nghiệm viêm gan.

Một số tầm soát ung thư phổ biến như tìm máu ẩn trong phân cho ung thư đường tiêu hóa và PAP cho ung thư cổ tử cung… Tất cả nội dung khám có thể thực hiện trong một buổi với chi phí phù hợp.

Một trong các trở ngại ngăn cản việc khám định kì là cảm giác “mất tiền vô ích” khi nhận được kết quả khám bình thường. Người được khám đôi khi không ý thức được nếu không thực hiện cuộc khám thì hai chữ “bình thường” kia không ai có thể dám chắc được. Một lí do khác cũng không kém phần quan trọng, hiện một số phòng khám chuyên “vẽ ra chuyện” hoặc có xu hướng lạm dụng xét nghiệm và kĩ thuật cao khiến nhiều người e dè. Vì vậy, việc tìm hiểu và chọn lựa nghiêm túc một cơ sở hay bác sĩ để thực hiện việc theo dõi sức khỏe cho bản thân và gia đình là điều nên làm. Nên nhớ, việc khám định kì là một quá trình chứ không phải một lần khám đơn độc nên cần chọn những nơi có khả năng lưu trữ và theo dõi bệnh nhân ổn định thay vì phải đổi bác sĩ mỗi năm.

 


TAGS:


About the author

DangNguyen

Mình tên Đăng, mình đến từ Tp.HCM, Việt Nam. Mình 21 tuổi và mình hiện đã tốt nghiệp Đại Học Hutech chuyên ngành Xây Dựng nhưng hiện tại thì vẫn chưa có việc làm. Sở thích: Xem phim, Chơi games, đá bóng, nghe nhạc, đọc truyện. Tình trạng : Độc…

Subscribe 0
160