16,5 tỉ đồng cho… một sinh viên!

Posted on at


Nhà nước bằng sự ưu đãi đặc biệt đã dành một khoản tiền phải nói là khổng lồ để xây dựng khu ký túc cho sinh viên, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên sinh hoạt, học tập. Thế nhưng những đồng tiền thu từ nguồn thuế của dân đã được sử dụng vô cùng lãng phí, song chẳng có ai phải chịu trách nhiệm vì số tiền này!

Đó là số tiền đầu tư xây dựng Ký túc xá sinh viên tập trung tại tỉnh Lâm Đồng với tổng kinh phí xây dựng trên 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Sau khi 2 trong tổng số 17 tòa nhà của khu KTX sinh viên tập trung hoàn thành (8/2014) với kinh phí trên 165 tỷ đồng, chủ đầu tư đã ra thông báo gửi tới tất cả các trường đại học, cao đẳng kêu gọi sinh viên đến ở. Giá cho thuê chỉ từ 32.000 - 46.000đ/người/tháng. Theo thiết kế, mỗi phòng có diện tích sử dụng là 47m2 đủ cho từ 6 - 8 sinh viên. Thế nhưng, hiện chỉ có khoảng hơn 10 sinh viên đến thuê trọ.

Lý giải vì sao KTX hiện đại này không hấp dẫn sinh viên, ông Nguyễn Văn Đức, phó Ban quản lý KTX cho biết nào là do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nào là cách khu sinh viên các trường quá xa, trường gần nhất hơn 4km trong khi các trường đều có KTX nội bộ…

Những lý do mà vị Phó Ban quản lý nói đều đúng. Nhưng  nói gì thì nói, một công trình dự kiến hàng ngàn tỉ, đã được đầu tư 165 tỉ đồng nhưng cho đến nay chỉ có khoảng 10 sinh viên thuê là không thể chấp nhận.


Với con số 10 sinh viên thuê, nếu với mức cao nhất là 46.000 đồng thì cả khu ký túc cũng chỉ thu được 460 ngàn đồng/tháng. Một số tiền chắc chỉ đủ… mua chổi phục vụ cho việc quét dọn!?

Cần nói thêm, đây không phải là công trình ký túc xá duy nhất bị  bỏ hoang.

Đã từng có khu ký túc xá sinh viên Nha Trang (xã Vĩnh Ngọc, phía bắc Nha Trang) có tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã gần một năm nay nhưng chỉ khai thác ước đạt 15% công suất.

Tại KTX trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa (thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang) do Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, quy mô 1000 sinh viên, với kinh phí xây dựng 77 tỷ đồng hiện không có sinh viên nào đến ở.

Đất nước còn rất nhiều khó khăn. Nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn tranh tre, nứa lá.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở xã Phình Sáng thuộc huyện Tuần Giáo (Điện Biên), thày trò ở đây đang phải học trong ngôi nhà tranh gió lạnh lùa bốn phía. Mỗi học sinh chỉ  có 5.500 đồng/ngày học nhưng nhiều phụ huynh không đóng được nên chi phí cho bữa phụ của các em chỉ là 500 đồng, với số tiền đó, bữa phụ chỉ là chiếc bánh quy hoặc cái thạch nhỏ.

Trong khi đó ở đây, nhà nước bằng sự ưu đãi đặc biệt đã dành một khoản tiền phải nói là khổng lồ để xây dựng khu ký túc cho sinh viên, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên sinh hoạt, học tập.

Thế nhưng những đồng tiền thu từ nguồn thuế của dân đã được sử dụng vô cùng lãng phí, song chẳng có ai phải chịu trách nhiệm vì số tiền này.

Phải chăng các dự án trên mọc lên chỉ nhờ một “động lực” duy nhất mang tên… hoa hồng?

Có lẽ đã đến lúc cần cân nhắc lại chủ trương này bởi tiền dân hình như được coi không bằng… vỏ hến!

 


TAGS:


About the author

160