Bà cụ nhặt rác

Posted on at











Ảnh minh họa:
Ảnh minh họa: moitruongdulich.vn

Hoa kêu thất thanh và chúng tôi chạy tới. Trước mắt tôi là một đống lon nước méo mó và những vỏ bao xi măng được bà cụ lượm về. Và bà cụ ấy vẫn đang loay hoay khều lon nước phía bên kia cống nước mà Hoa đá lúc sáng...


Đầu hạ. Chúng tôi hào hứng với chuyến đi dã ngoại đã nhen nhóm trước đó vài tháng. Đứa nào đứa nấy chuẩn bị tươm tất đồ ăn, thức uống và diện cho mình những bộ cánh bắt mắt, sặc sỡ để lên đường.


- Cháu ơi sao đá lon nước đi như vậy. Cháu cho bà được không?


Tôi ngoảnh mặt lại nhìn. Trước mắt tôi là một bà cụ già, lưng còng cúi gần sát đất. Tôi cúi thấp hơn một chút. Khuôn mặt nhăn nhúm và sạm đi vì những năm tháng đã qua làm lộ ra một điếu gì đó đáng thương, khổ cực.


- Dạ lon nước uống xong rồi vứt đi chứ giữ lại làm gì bà ơi?


Hoa lanh chanh đáp lời bà cụ một cách thản nhiên. Một người bạn nháy mắt ra hiệu dừng lại và nói nhỏ là đi thôi không muộn. Cả bọn kéo nhau đi trong khi bà cụ cứ nhìn theo lon nước phía bên kia cống nước. Đôi mắt cụ ánh lên niềm tiếc nuối và hi vọng có thể sang bên kia lượm được chai nước đó về.


Tôi nhìn thấy những điều đó nhưng đang mặc trên mình bộ quần áo đẹp và chuẩn bị đi chơi với bạn nên tôi cũng không có đủ dũng khí để bước sang nhặt cho bà cụ một lon nước. Hơn nữa những đứa bạn đang léo nhéo giục đi. Tiết trời đầu hạ oi bức và dễ gây cho người ta những cảm giác khó chịu. Chiều lòng tụi bạn tôi lặng lẽ lên đường tiếp tục cuộc hành trình.


Vốn là một chàng trai đa cảm nên trong suốt cuộc hành trình tôi không thể cười nói vui vẻ với bạn bè. Tôi hình dung ra bà cụ nhặt rác lúc nãy. Tôi tưởng tượng xem bà cụ ấy bây giờ đã nhặt được lon nước mà đứa bạn tôi đá bay qua cống nước bên kia không? Trong lòng tôi đã có chút ân hận vì lúc ấy không bỏ ra một phút giúp bà cụ.


Rào…rào…. Một cơn mưa mùa hạ bất chợt đến. Cơn mưa đến làm đứt mạnh dòng suy nghĩ của tôi. Chúng tôi tắm mưa bằng những trò đùa tinh nghịch của tuổi học trò.


Cuộc vui rồi cũng tới lúc tàn. Khi mặt trời dần khuất sau ngọt núi để lộ ra đường chân trời đỏ ửng, chúng tôi kéo nhau về kẻo trời tối.


- Không thể tin được, các bạn lại đây mà xem?


Hoa kêu thất thanh và tụi chúng tôi chạy tới. Trước mắt tôi là một đống lon nước méo mó và những vỏ bao xi măng được bà cụ lượm về. Và bà cụ ấy vẫn đang loay hoay khều lon nước phía bên kia cống nước mà Hoa đá lúc sáng. Chúng tôi nhìn nhau trong ánh mắt ngỡ ngàng và khâm phục. Điều gì đã khiến bà cụ trở nên như thế? Vì cuộc sống nghèo khó quá chăng? Trong đầu chúng tôi chợt nảy ra nhiều suy nghĩ. Không ngần ngại nữa, Hùng nhảy sang bên kia cống nước và lượm về cho bà cụ lon nước ấy.


- Bà cảm ơn các cháu nhé. Các cháu về đi kẻo trời tối cha mẹ mong.


- Dạ vâng ạ. Chúng cháu chào cụ.


Chúng tôi chào bà cụ ấy rồi cùng nhau ra về. Một buổi đi chơi rất vui và đọng lại trong tâm trí mỗi đứa những dư âm nhất định. Một bà già lưng còng nhặt rác… Một sự nhọc nhằn của một đời người hay là sự kiên trì nhẫn nại… Ôi những đứa trẻ chúng tôi thì đứa nào cũng cho rằng suy nghĩ của mình là đúng.

Mùa hè năm ấy tôi theo mẹ về nhà cô bán hàng. Kỳ lạ là nhà cô tôi ở gần khu mà cách đó một tháng tụi chúng tôi gặp bà cụ nhặt rác ven đường. Vẫn con đường ấy, vẫn là những ngày hè nóng nực, tiếng ve kêu đến nao lòng nhưng tôi không còn trông thấy bà cụ cặm cụi nhặt rác đó nữa. Có chút hụt hẫng và trống vắng trong tôi.


- Cô ơi bà cụ nhặt rác ở xóm mình ạ?


- Ừ. Cháu biết bà cụ ấy à? Bà ấy mất được hơn một tuần rồi cháu ạ.


Nghe đến đây tôi thấy lòng mình thắt lại. Và nghèn ngẹn. Dường như hình ảnh đáng thương của bà cụ đang ám ảnh tôi.


- Dạ sao bà cụ ấy lại mất ạ? Cách đây khoảng chục ngày cháu thấy bà ấy vẫn nhặt rác bên ven đường mà cô?


- Ừ. Bà ấy bị cảm lạnh cháu ạ. Tuổi đã cao, một trận cảm lạnh đủ làm bà ấy không trụ được. Bà ấy năm nay đã tám mươi ba tuổi rồi mà.


Giọng nói lanh lảnh của cô tôi hàng ngày có phần dịu xuống và khuôn mặt buồn phiền cứ nhòa đi trước mắt tôi. Bà cụ ấy bị cảm lạnh… câu nói cứ văng vẳng bên tai. Xót xa và ân hận là những cảm giác tràn ngập tâm trí. Không biết nếu biết được chuyện này tụi bạn tôi sẽ nghĩ gì?


- Bà cụ ấy ở với một đứa cháu ngoại năm nay đang học lớp 11. Bố mẹ nó chia tay khi nó mới lên bốn. Nó và ngoại nó ở với nhau cho tới tận bây giờ cháu ạ.


- Nhưng bà cụ ấy già như vậy mà vẫn nuôi nấng được bạn ý ạ?


- Ừ. Nó ngoan và chăm học lắm. Hàng ngày dậy sớm cắt rau lợn, nấu cám lợn và cho gà ăn. Làm hết thảy những việc vặt trong nhà mà học rất giỏi, cháu phải học tập nhé. Bà cụ thì hàng ngày đi nhặt rác rưởi, những lon nước người ta vứt đi cũng được năm trăm đồng đấy.


Từng lời cô kể cứ từ từ đi vào tâm trí tôi một cách nhẹ nhàng. Trước mắt tôi là một đứa cháu ngoan hiền biết thương bà và chăm chỉ học tập. Trước mắt tôi là một bà cụ già với những cử chỉ yêu thương, những hành động đáng để thế hệ trẻ suy ngẫm.


Tối hôm ấy nằm ngủ mà tôi cứ suy nghĩ mãi. Tôi thấy hối hận vô cùng. Tôi kể cho tụi bạn nghe về câu chuyện của bà cụ. Đứa nào cũng ngỡ ngàng và nuối tiếc, cảm giác ân hận hơn bao giờ hết. Nếu hôm ấy chúng tôi nhặt giúp bà cụ lon nước, bà cụ đã không bị nước mưa làm cho cảm lanh? Rồi bạn nhỏ kia từ nay không có bà nữa sẽ ra sao?


Một xã hội càng hiện đại, càng văn mình thì hố ngăn chia giàu - nghèo càng sâu và rộng. Bên cạnh những người có cuộc sống đầy đủ sung túc vẫn còn bao người có hoàn cảnh éo le. Những kiếp người cơ cực.


TAGS:


About the author

160