Chủ tịch Lâm Đồng: 'Tiếng vọng ra từ trong hầm thường là khỏe, lạnh, đói'

Posted on at


Đã có 5 lần tiếp tế thức ăn gồm sữa, cháo vào cho các nạn nhân bị kẹt trong hầm thủy điện, thông qua đường dẫn khí oxy, hôm nay. Bên trong, các công nhân sẽ dùng mũ bảo hộ làm bát ăn cho mình. 


 




  • 08h00icon


    Sáng nay, 29 cán bộ chiến sĩ thuộc lữ đoàn công binh 25 (Quân khu 7) đã có mặt tại hiện trường cứu hộ cứu nạn 12 nạn nhân đang mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng.











    Xe chở lực lượng công binh vào trong hầm. Ảnh: Phước Tuấn

    Xe chở lực lượng công binh vào trong hầm. Ảnh: Phước Tuấn.



    Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Phó lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn công binh 25 cho biết, nhiệm vụ của bộ đội công binh là hỗ trợ lực lượng cứu hộ cứu nạn tại chỗ, tiến hành đào hầm để giải cứu những người bị nạn. Ngoài lực lượng này, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng cũng điều động hàng chục cán bộ chiến sĩ đến phối hợp.


    8h, trời bắt đầu mưa lất phất, thời tiết lạnh nhưng không khí cứu hộ rất khẩn trương. Nhiều vật dụng được đưa vào hầm thủy điện phục vụ cứu hộ. Hàng trăm cây thông được đưa đến trong đêm để dùng làm kè gia cố đường hầm chống sập thêm. Xe chở nhóm lực lượng công binh đã tiếp cận hiện trường.











    mo-phong-2-7343-1418783128_fa_rszd.jpg

    Đồ họa mô phỏng hầm thủy điện bị sập khiến 12 công nhân mắc kẹt. 





     



  • icon











    Hàng trăm cây thông được đưa đến để chuẩn bị kè đường hầm, chống sập. Ảnh: Phước Tuấn

    Hàng trăm cây thông được đưa đến để chuẩn bị kè đường hầm, chống sập. Ảnh: Phước Tuấn.





     



  • 8h35icon


    Các máy khoan lớn được di chuyển từ trong hầm thủy điện ra ngoài để tạo khoảng không cho lực lượng công binh đào đoạn hầm bị sập. Lượng bùn nhão, đất đá, sắt thép được đào sẽ bỏ lên xe di chuyển ra ngoài.


    Trao đổi với VnExpress, đại tá Hoàng Công Thạo, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Lâm Đồng cho biết, phương án giải cứu 12 công nhân kẹt trong hầm thủy điện sáng nay là tiếp tục gia cố đường hầm chống sập thêm, khoan một lỗ mới vào bên trong hầm nhằm tạo đối lưu không khí. Lực lượng công binh sẽ đào sâu vào đoạn hầm bị sập theo hình chữ A.


    "Những cây đưa vào để chống đỡ hầm khi bộ đội đào. Hiện chưa thể xác định thời gian bao giờ tiếp cận nạn nhân. Việc cứu hộ được làm khẩn trương với phương án tối ưu nhất. Thời gian lúc này với các nạn nhân là vô cùng quý giá. Đến thời điểm này, sau khi đã nhận tiếp tế sữa, xúc xích, nước gừng... 12 nạn nhân đều cho biết sức khỏe ổn, tỉnh táo", ông Thạo nói.











    Lực lượng tại hiện trường bàn phương án giải cứu 12 người mắc kẹt trong hầm. Ảnh: Phước Tuấn

    Lực lượng tại hiện trường bàn phương án giải cứu 12 người mắc kẹt trong hầm. Ảnh: Phước Tuấn.





     



  • 9h00icon


    Ra ngoài cửa hầm tạm nghỉ ngơi sau nhiều giờ tham gia cứu hộ, anh Nguyễn Văn Tuấn (34 tuổi) cho biết mình là một trong nhóm 3 công nhân chạy thoát ra ngoài khi hầm sập xuống. "Lúc đó tôi và hai đồng nghiệp chở vật tư từ ngoài vào trong được 500 m thì nghe tiếng sạt sạt. Sau đó đất, đá, bùn nhão... đổ ầm xuống. Cả 3 bỏ xe chạy ra ngoài. Khi thấy hầm hết sạt lở, chúng tôi quay lại đào bới nhóm người kẹt bên trong. Nhưng càng đào thì đất, đá...càng sạt xuống nên bỏ chạy ra ngoài cầu cứu", anh Tuấn kể.


    Theo anh Tuấn, trong số 12 người kẹt bên trong có một người em và cháu họ của anh.  "Họ cho biết trong hầm nước ngập đến đầu gối, rất lạnh. Mọi người ngồi co ro trên một giàn giáo nhỏ", anh Tuấn kể khi được vào trong hầm để trao đổi với các đồng nghiệp qua đường ống thông khí.











    Anh Nguyễn Văn Tuấn, một trong số công nhân thoát nạn kể lại. Ảnh: Phước Tuấn

    Anh Nguyễn Văn Tuấn, một trong số công nhân thoát nạn kể lại. Ảnh: Phước Tuấn









     



     



  • 09h25icon


    Trao đổi với VnExpress, Ông Phan Văn Hùng, Phó tham mưu trưởng - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, cho biết, qua khảo sát thực tế hiện trường sáng nay, công tác đào hầm để cứu 12 nạn nhân sẽ gặp nhiều khó khăn vì lượng đất đá, bùn nhão rất lớn và kéo dài khoảng 26-27 m. 


    "Chúng tôi lo ngại công tác đào hầm sẽ ảnh hưởng đến sự sống nên chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng. Bộ đội công binh sẽ kết hợp với quân sự tỉnh và lực lượng tại chỗ vừa đào lấy đất đá ra khỏi hầm vừa gia cố. Công tác cứu hộ thủ công như vậy tôi không dám chắc khi nào sẽ thông hầm để cứu 12 người bên trong. Nhưng chúng tôi huy động toàn bộ lực lượng để thông hầm trong thời gian sớm nhất có thể", ông Hùng chia sẻ.




     



  • 09h30icon


    Ông Nguyễn Duy Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết nước trong hầm bây giờ đã dâng cao khoảng 1 mét nên từ giờ đến tối phải cố gắng làm sao để đưa được các nạn nhân ra ngoài. "Tất cả những người bên trong sức khỏe đều vẫn đang bình thường, chúng tôi mới đưa thêm một đợt sữa vào trong cho họ", ông Hải nói. 


    Hầm Đạ Dâng cao 5 m, ngang 4 m và đã thi công được 600 mét xuyên qua ngọn đồi, âm dưới mặt đất 70 m. Vị trí hầm bị sập cách đầu miệng hầm chừng 500 mét. 


    Vị chủ tịch UBND huyện Lạc Dương nói thêm, hiện lực lượng cứu hộ đang cố gắng khoan thêm một lỗ nhưng chưa được.











    Thân nhân, người dân mòn mỏi ngóng chờ việc cứu 12 người mắc kẹt trong hầm thủy điện. Ảnh: Phước Tuấn

    Thân nhân, người dân mòn mỏi ngóng chờ việc cứu 12 người mắc kẹt trong hầm thủy điện. Ảnh: Phước Tuấn





     



  • 9h40icon


    Là một trong những đơn vị tham gia cứu hộ, ông Lê Việt Quang - Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Nhôm Lâm Đồng - cho biết, sớm nhất phải 2 ngày mới có thể đưa các nạn nhân ra ngoài. Khó khăn nhất với lực lượng cứu hộ hiện nay là phải đào thủ công thẳng vào khu đất đá đã bị sập. "Phương án tối ưu nhất là đào sâu được vào 35 mét, xuyên qua đống đất đá, để từ đó đưa mọi người ra ngoài. Điều đáng mừng là các nạn nhân đều khỏe mạnh", ông Quang nói.




     



  • 10h05icon


    Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng có mặt hiện trường chỉ đạo việc cứu hộ. "Tỉnh Lâm Đồng sẽ huy động toàn bộ lực lượng có thể để giải cứu 12 nạn nhân trong thời gian sớm nhất. Quan trọng lúc này là đảm bảo được sức khỏe cho nạn nhân. Lực lượng cứu hộ sẽ tiến hành bơm nước trong hầm ra ngoài", ông Tiến nói.











    bi-thu-lam-dong-7177-1418786607_fa_rszd.jpg

    Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến có mặt tại hiện trường vụ sập hầm sáng 17/12. Ảnh: Phước Tuấn.









     



     



  • 10h30icon


    Hàng trăm người dân đã kéo về trước miệng hầm thủy điện ngóng tin việc giải cứu 12 nạn nhân mắc kẹt bên trong. "Từ hôm qua đến giờ, tôi luôn theo sát diễn biến cứu hộ tại đây. Lúc đầu tôi cầu nguyện cho 12 người bên trong được sống. Giờ tôi cầu mong cho lực lượng cứu hộ sớm giải thoát họ ra ngoài", anh Lý Bá Lâm, 40 tuổi, người dân xã Lát, nói với vẻ lo lắng.


    Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó chủ tịch huyện Lạc Dương cho biết, so với hôm qua phương án dùng thanh sắt kè chống sập thì hôm nay đã thay đổi bằng cây thông. "Khi cứu hộ đào đến đâu sẽ kè đến đó. 40 m3 gỗ thông được dùng để kè chống sập", ông Kỳ nói.











    day-thep-7265-1418787219_fa_rszd.jpg

    Các công nhân đang chuyên dây thép vào bên trong hầm để buộc kè gỗ thông. Ảnh: Phước Tuấn.





     



  • 11h10icon


    Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng vừa tiến hành họp với lực lượng cứu hộ tại lán trại phía ngoài miệng hầm thủy điện.


    Theo lực lượng cứu hộ, hiện nước ở vị trí đào ngập khoảng 25 cm. Nếu tiếp tục khoan đào sẽ rất nguy hiểm, có thể gây sập hầm tiếp. "Vì vậy, bây giờ cần đưa máy bơm và hút nước ra ngoài", một nhân viên cứu hộ nói.











    vao-ham-1-4327-1418788903_fa_rszd.jpg

    Đưa dụng cụ, phương tiện vào trong hầm bắt đầu đào ống xuyên đống đất đá. Ảnh: Quốc Dũng





     



  • 11h30icon


    Thượng tá Phạm Phú Ty - Phó trưởng Công an huyện Lạc Dương, Lâm Đồng cho biết, sự cố sập hầm đã tạo ra một lỗ hổng sâu 10 mét và rộng 15 m2 trên đỉnh đồi, tại vị trí hầm sập. "Lượng đất đá dồn xuống hầm là rất nhiều. Đây được cho là lý do khiến công tác đào lỗ cứu hộ xuyên 35 mét đất đá gặp khó khăn. Cứ đào ở dưới thì phía trên đất đá lại tuồn xuống", ông Ty nói.




     



  • 12h45icon


    Lực lượng chỉ huy tại hiện trường cho biết, ngoài việc bơm nước và đào trực tiếp từ cửa hầm, chiều nay, một tốp cứu hộ sẽ khoan ở đầu bên kia của hầm thủy điện để đưa đường ống vào hút nước ra ngoài. Đây là đoạn còn lại chưa được thông của hầm với chiều dài khoảng 100 m.


    Trong khi đó, trên ngọn đồi xuất hiện hai hố nằm cách nhau khoảng 9 m. Một hố khoảng 4 m, sâu 2 m và một lỗ khoảng 15 m, sâu 10 m. Hai hố nằm giữa hai ngọn đồi, nếu trời mưa sẽ là nơi trũng nước hết sức nguy hiểm cho đường hầm. Hiện đơn vị thi công đã cho phủ bạt, rào chắn cảnh báo ở khu vực hố.


    Người dân gần khu vực cho hay, khoảng tháng 2-3 năm nay, khi trời mưa, đất ở khu vực này bị sụp xuống nhưng nhỏ. Trải qua nhiều tháng ảnh hưởng của nước mưa, các hố đã lớn dần.











    anh-ho-2-1882-1418793543_fa_rszd.jpg

    Hố trên đỉnh đồi được phủ bạt. 





     



  • 13h00icon


    Qua đường ống nhỏ được xuyên thông từ tối qua, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tiếp tế nước, sữa, thức ăn cho nhóm người mắc kẹt bên trong. Việc liên lạc qua đường ống này khá khó khăn nên thiết bị liên lạc chuyên dụng vẫn đang được tìm cách đưa vào. 


    Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, ưu tiên hàng đầu lúc này là khẩn trương làm đường cho nước thoát ra để bên trong hầm không bị ngập. 


    Theo ông Tiến, mọi lực lượng có kinh nghiệm trong việc cứu nạn đã được huy động. Về phương án cứu hộ, sẽ khoan cả từ 2 phía hầm. Phía trước đã khoan 30 mét, còn từ sau tới sẽ khoan khoảng 50-60 mét. "Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gọi điện cho tôi, chỉ đạo phải tìm cách nhanh nhất để cứu các nạn nhân ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng cứu hộ cũng như rút kinh nghiệm cho việc triển khai các công trình tương tự", ông Tiến cho biết.











    vao-ham-2-3619-1418788903_fa_rszd.jpg

    Việc cứu hộ các nạn nhân đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Quốc Dũng.





     



  • 13h07icon


    Lực lượng công binh đã được lệnh vào hầm, dùng những khúc gỗ tròn cao một mét kè đất đá. Nước ngập, cát đá và bùn nhão đang cản trở việc thi công bên trong hầm. 




     



  • 13h30icon


    Có mặt tại hiện trường, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết đã đình chỉ thi công đối với công trình hầm thủy điện Đạ Dâng. "Đến khi nào Bộ Công thương và Xây dựng đồng ý mới được làm trở lại".


    Nói về kế hoạch cứu hộ, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay lực lượng chức năng đã tính đến 3 phương án, từ 3 hướng, là từ hai đầu hầm và từ đỉnh đồi xuống. Ở phương án từ trên xuống sẽ áp dụng khoan cột nhồi. "Nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là phải rút bằng được nước từ trong hầm bị sập ra, đồng thời khẩn trương tiến hành đào hầm", ông Dũng, nói.











    dong-nghiep-5723-1418786732_fa_rszd.jpg

    Các đồng nghiệp của 12 nạn nhân đang lo lắng chờ thông tin ở bên ngoài hầm. Ảnh: Phước Tuấn





     



  • 14h00icon


    "Trách nhiệm và nguyên nhân chúng tôi sẽ điều tra sau khi giải cứu được các nạn nhân. Hiện, nước trong khu vực sập đã dâng gần một mét, nếu không kịp rút hết nước ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của 12 người mắc kẹt", ông Dũng nói.


    Bộ trưởng Xây dựng cũng gửi lời chia sẻ với gia đình các nạn nhân, trấn an họ cần bình tĩnh. Toàn tỉnh cũng như trung ương, thậm chí cả cộng đồng đang quyết tâm giải cứu 12 người gặp nạn. 


    "Chúng tôi đã đưa máy khoan vào đầu bên kia đường hầm để đào từ hướng đó. Chờ máy phát điện đến sẽ chạy ngay lập tức", cán bộ Ban chỉ huy Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, cho biết thêm.




     



  • 14h20icon


    Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM cho biết, đơn vị đã nhận lệnh tham gia cứu hộ các nạn nhân sập hầm ở Lâm Đồng. "Các phương án đã được cân nhắc để triển khai", ông Bửu nói.


    Trước đó, một số chuyên gia đào hầm ở Quảng Ninh cũng được huy động vào hiện trường.











    Bản đồ vị trí hầm thủy điện bị sập. Ảnh: Quốc Dũng

    Bản đồ vị trí hầm thủy điện bị sập. Ảnh: Quốc Dũng





     



  • 15h00icon


    "12 nạn nhân vẫn rất khỏe. Dù nước vẫn đang dâng lên nhưng mọi người đã tìm được những vị trí cao để bám trụ. Với tốc độ nước dâng lên như hiện nay, phải đến vài ngày mới có thể gây nguy hiểm cho anh em trong hầm. Trong khoảng thời gian này, chắc chắn lực lượng cứu hộ sẽ khoan đến nơi, hút nước ra ngoài", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ tại thời điểm này cho biết.


    Hiện, nhóm chuyên gia hầm mỏ của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam đang phối hợp với lực lượng công binh đào hầm, một mũi khác đã khoan từ mặt sau của hầm tới.


    "Các cọc nhồi đang được được vận chuyển đến. Đặc biệt, với cọc nhồi phi 600 và 800 thì chúng ta có thể đưa người qua đường này", ông Hùng cho biết thêm.


     







     



  • 15h30icon


    Trao đổi với VnExpress, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM cho biết, chiều nay, một xe chở 45 cán bộ chiến sĩ cùng một xe khác chở phương tiện tác chiến từ TP HCM đã lên đường đến tỉnh Lâm Đồng tham gia cứu hộ 12 người mắc kẹt trong hầm thủy điện bị sập. Đoàn do thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó giám đốc làm chỉ huy trưởng.


















    duong-len-doi-2363-1418805730_fa_rszd.jpg

    Đường dẫn lên đồi được san phẳng để đưa máy móc lên. Ảnh: Quốc Dũng













    phia-sau-ham-7826-1418805730_fa_rszd.jpg

    Lực lượng cứu hộ khoan từ cửa phía sau hầm. Ảnh: Quốc Dũng





     



  • 15h50icon


    Một nhóm bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy cũng lên đường đến Lâm Đồng sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu các nạn nhân.


    "Hiện, 12 bình oxy đã được chuẩn bị để đảm bảo mỗi nạn nhân sẽ có một bình dưỡng khí, 6 xe cứu thương để 2 người một xe, thuốc men đầy đủ. Nhóm bác sĩ chuyên ngành để đảm bảo việc sơ cứu hội chứng vùi lấp, choáng, ngộp, ngạt có thể xảy ra", TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế.




     



  • 16h00icon


    Thở những hơi mệt mỏi khi nằm trong trung tâm y tế dã chiến ở hiện trường, chị Phan Thị Hoa - vợ anh Trương Tuấn Việt (một trong 12 người đang mắc kẹt trong hầm) cho biết, sáng hôm qua gia đình hay tin nơi làm việc của anh Việt xảy ra sự cố, chị lập tức gọi điện cho anh nhưng không thể liên lạc. Khi biết chính xác chồng và 11 đồng nghiệp còn kẹt trong hầm sâu, chị không thể thở được. Nhờ người nhà chăm sóc 2 con nhỏ, chị tức tốc cùng anh trai của chồng vào Lâm Đồng nhưng họ không mua được vé máy bay, phải chờ đến tận sáng nay. "Anh ấy vừa vào Nam làm được một tháng nay thôi", chị Hoa rơi nước mắt.


    Vì quá căng thẳng và lo lắng cho tính mạng chồng, chị Hoa suy sụp không thể đứng vững khiến lực lượng y tế phải hỗ trợ nhiều giờ.


    Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa đến hiện trường kiểm tra công tác y tế phục vụ cho việc cứu hộ, cứu nạn. Trước nỗi lo lắng của chị Hoa, bà Tiến cũng gửi lời chia sẻ.











    vo-nan-nhan-3174-1418808305_fa_rszd.jpg

    Chị Phan Thị Hoa vợ anh Trương Tuấn Việt (một trong 12 người đang mắc kẹt trong hầm). Ảnh: Phước Tuấn.





     



  • 16h25icon


    Ngồi ủ rũ trong lán trại dã chiến chờ đến ca vào thay cho các đồng nghiệp, nhóm công nhân quê Ninh Bình luôn dõi mắt về khu vực cửa hầm, vẻ lo lắng. 


    Anh Dương Văn Lam giọng buồn bã: "Chúng tôi với các anh em còn kẹt trong đó không cùng tổ, không quá thân nhau nhưng khi hay tin họ gặp nạn không ai kìm được nước mắt. Thương đã đành, song chúng tôi cũng tủi thân vì đều đồng cảnh với nhau. Tôi nghĩ rằng nếu không phải các anh em thì cũng là chúng tôi nếu sự cố rơi vào ca của mình, công việc của chúng tôi vốn là vậy. Từ hai hôm nay, chúng tôi quyết tâm làm việc không ngơi nghỉ, tham gia mọi công việc để hỗ trợ lực lượng cứu hộ, mong sớm đưa được các anh em ra".




     



  • 17h00icon


    Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Đình Hiếu, Chỉ huy trưởng công trình Công ty Sông Đà 505 cho biết, cơ chế nước dâng lên trong hầm là do nước ngầm, song dòng nước này dâng lên rất chậm. "Trong ngày hôm nay chúng tôi đã khoan rất nhiều mũi để thoát nước bên trong hầm ra ngoài nhưng vẫn chưa thành công. Mọi nguồn lực đang tập trung làm cho đến khi khoan được mới thôi", ông Hiếu nói.


    Ngành điện lực Lâm Đồng huy động hơn 10 cán bộ kéo dây điện từ ngoài vào trong để phục vụ việc khoan hầm.




     



  • 17h30icon


    Có hơn 5 công nhân luôn tất bật tại nhà bếp dã chiến, chuẩn bị thức ăn cho 12 người còn mắc kẹt trong hầm. Họ là những người cùng tổ làm việc với các nạn nhân. Theo kế hoạch, mỗi ngày họ sẽ 5 lần tiếp tế thức ăn gồm sữa, cháo gà, vịt... vào trong cho các nạn nhân, thông qua đường dẫn khí oxy. Sau đó, những người ở ngoài sẽ bơm, tạo lực đẩy thức ăn vào trong. Mỗi công nhân đều có một mũ bảo hộ nên họ sẽ dùng làm bát ăn cho mình.


    "Ở trong đó, thường xuyên liên lạc với chúng tôi là anh Nam, ngoài này ông Đặng Hồng Chiến là người tiếp nhận thông tin. Ngọc, cô gái duy nhất trong số các anh em mắc kẹt, là cháu của ông Chiến. Mọi người trong đó vẫn vui vẻ, thậm chí còn cười nói động viên nhau", nam công nhân trẻ tuổi, chia sẻ.


    Nói về cô cháu gái được mọi người nhận xét là dễ thương, hòa đồng, ông Chiến khá kiệm lời. Ông cho biết, trong số các nạn nhân bị kẹt cũng có chồng và em trai của Ngọc nên cô không đến nỗi mất tinh thần. "Nói gì thì nói, có mỗi nó là phụ nữ, rồi chuyện vệ sinh sức khỏe thế nào...", ông Chiến giọng nghèn nghẹn.











    phia-sau-ham-7826-1418805730_fa_rszd.jpg

    Lực lượng cứu hộ khoan từ cửa phía sau hầm. Ảnh: Quốc Dũng









     



     



  • 18h05icon


    Ông Nguyễn Duy Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết hiện các lực lượng cứu hộ vẫn đang khẩn trương làm hầm chữ A bằng gỗ tròn cao khoảng 1 mét để đưa đất ra. Tuy nhiên, công tác này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do đất nhão, nhiều cát đá nên tiến độ rất chậm.


    "Hiện nay mực nước trong hầm đã dâng lên hơn 1 mét, nên lực lượng cứu hộ vẫn đang cố gắng khoan trực tiếp vào để nước thoát ra. Dù đã cắm rất nhiều mũi khoan nhưng vẫn chưa khoan vào được bên trong", ông Hải nói và cho biết cách vị trí này 60 mét cũng có một mũi khoan khác đang khoan vào bên trong và bên trên đỉnh hầm cũng đang khoan xuống. 




     



  • 18h50icon


    Lần liên lạc mới nhất với các nạn nhân bên trong ghi nhận, mọi người vẫn ổn. Mỗi buổi, lực lượng phía ngoài sẽ truyền cháo, sữa... cho các nạn nhân  2-3 lần. "Do trao đổi qua đường ống nhỏ chừng 30 cm nên đầu bên ngoài chỉ nghe tiếng được tiếng không. Những tiếng mà mọi người hay nhận được là khỏe, lạnh, đói...", ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng thông tin.


    Hiện lực lượng cứu hộ đang triển khai 2 phương án khoan hút nước từ thẳng cửa hầm và phía sau hầm. Nhưng do mũi khoan chạm phải đá nên phải khoan tới khoan lui. Riêng phương án khoan từ trên ngọn đồi xuống thì phải chờ các thiết bị chuyển từ TP HCM lên.


    Các đơn vị cứu hộ chia thành 4 ca thay phiên nhau để khoan liên tục suốt đêm.











    dien-luc-2-7578-1418810682_fa_rszd.jpg

    Nhân viên Điện lực Lâm Đồng kéo dây điện vào trong hầm để khoan hầm. Ảnh: Phước Tuấn.





     







Khoảng 7h sáng 16/12, khi các công nhân đang làm việc tại công trình thuộc thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng thì hầm bất ngờ bị sập. 20 người chạy thoát ra ngoài miệng hầm trong khi 12 người khác bị kẹt bên trong.







About the author

thanhthuong

I post short magical videos!! Hope you enjoy! zach king

Subscribe 0
160