Không đối kháng không thể có người hùng

Posted on at


Có một mệnh đề chắc chắn không ai có thể cãi được rằng: Trận chiến gian nan nhất sẽ tạo ra anh hùng oanh liệt nhất. 

 

Không thể có anh hùng lớn thuộc về một trận đánh nhỏ. Cũng không thể có một trận đánh nhỏ tạo ra những anh hùng lớn. 

 

Một cách đồng đẳng và tỷ lệ thuận hẳn là: chỉ có những người hùng lớn nhờ chiến thắng những trận đánh lớn; trái lại chỉ có anh hùng bé sinh ra từ trận đánh nhỏ (không rõ mấy anh ti toe comment hoa cà - hoa súng, hay giở giọng ngô khoai sắn có tung tăng – tung hứng bình luận gì về mệnh đề logic này của tôi không? Nếu không dám bình luận được đúng hay sai, không dám bày tỏ đồng thuận hay phản bác thì xin đừng vào xới. Lọ mọ khoe mẽ ba chữ râu ria phỏng có ích gì?)

 

 

Trận đánh lớn nhất là gì? Đó hẳn phải là các cuộc chiến – vì nó liên quan trực tiếp đến sinh – tử của con người (cũng như vạn vật). 

 

Nhưng còn các loại đấu khác trong thể thao và trí tuệ, không mang tính sinh – tử trực tiếp, nhưng được “đồng tâm”, “đồng quy” vào loại hình “Đối kháng” – tức đối đầu trực tiếp. 

 

Không phải ngẫu nhiên mà người ta phần đông thế giới coi rằng: Bóng đá là môn thể thao vua, bởi lẽ, đó là môn thể thao hai đội đối mặt, ở hai phần sân giống nhau, bằng nhau, với hai hiệp có đổi sân, đấu đối kháng trực tiếp với nhau.

 

 

Tất nhiên, vẫn có một số người cho rằng, anh ta thích chơi khăng ở làng hơn… Tôi xin nói luôn, ở đây chúng ta bàn đến cái “phổ biến của phần đông nhân loại”, triết gia Hegel nói rằng: Cái gì không tiến đến phổ quát chỉ là thứ bỉ ổi và lố bịch. Thử hỏi nếu sự thật không tiến đến “phổ quát” làm sao có thể trở thành chân lý? Tất cả các toà án trên thế giới đều phải áp dụng “luận nhân chứng” – tức người thứ ba, có nghĩa rằng bất cứ sự việc là “bên bị” hay “bên nguyên” – là A hoặc B đều có người chứng giám ở ngoài cá nhân anh. Không có nhân chứng không bao giờ thành phiên toà. Người Pháp có câu “Công lý là người thứ ba”: “La just est le tiere”. Người thứ ba là cánh cửa “người khác” đầu tiên mở vào “giá trị phổ quát”. Tóm lại, những người từ chối cái phổ quát hướng về mình chỉ là những kẻ “ích kỷ hại tha”, ngồi xổm lên dư luận, loại anh hùng xó bếp này chúng ta không có gì và cách gì để bàn. 

 

Người Việt bảo: “Nói phải củ cải cũng nghe”. Lẽ phải – là công lý chung, cũng là cái phổ quát, có sức mạnh thuyết phục vạn vật. Còn mấy kẻ ăn nói tuỳ tiện lăng nhăng nào có nghĩa gì. Người Việt bảo “Nói có sách mách có chứng”, nghĩa là, tiếng nói của người ta nếu muốn có giá trị thì phải có bằng chứng hướng về công lý phổ quát.

 

 

Đấu đối kháng là xung đột mạnh mẽ nhất của cuộc đời, và ở đó nó tạo ra những người chiến thắng lớn nhất, những ngôi sao đắt giá nhất, những Pele và Maradona vinh quang ngang ngửa nguyên thủ quốc gia của Braxin và Ác-hen-ti-na… Đây cũng là nguyên lý mạnh mẽ nhất của Mỹ học – xương cốt cho văn chương và mọi ngành nghệ thuật. Đó là: Mâu thuẫn đối kháng trong các tác phẩm như Illiad và Odissey của Homer hoặc “Romeo và Juliet” của Shakespears… đã làm nên những tác phẩm vĩ đại bất hủ hàng đầu.

 

 

Với trí tuệ, cái gọi là mâu thuẫn đối kháng được gọi là đối thoại. Thứ hội thoại đối nhau cũng là hình thức cao nhất của thoại. Chỉ có đối thoại mới dẫn con người tìm thấy trí tuệ cao, mưu cao, và tiệm cận chân lý hơn. Không có đối thoại sẽ không có các vấn đề của đời sống, tình yêu và trí tuệ, lúc đó lời nói chỉ là lời của đám người ở trong bếp.

 

 

Thể thao lớn hơn thể dục cái gì? Thể thao là thứ có quy chế phân biệt, có lệ luật thi đấu, có trọng tài phân minh. Còn thể dục: đó chỉ là cách vươn tay, vươn chân. Một tầng lớp, một dân tộc có được thể thao thì khác hẳn một trời một vực những người chỉ có khả năng vươn vai, vươn tay, vươn chân tập thể dục.

 

 

Ngôn ngữ cũng vậy, nếu nó được đưa vào hình thức đối thoại, thì đó là cuộc đấu “thể thao” của ngôn từ. Mục đích của nó sẽ là: trí tuệ, chân lý, lý tưởng. Còn nếu không được đấu trong đối thoại, nó chỉ là ngôn ngữ sinh hoạt, vươn tay chân của đám múa lưỡi ba hoa, vài thứ sáo rỗng vô tích sự. Triết gia Kant nói: “Người có học mà không có khả năng phán xét chỉ là thứ kiến thức vô tích sự. Người Pháp thì nói: “Một cái đầu biết làm còn hơn một cái đầu đầy ắp”.

 

Học ít mà người ta biết làm, chí ít biết phán xét sự vật hiện tượng theo kiến thức của mình, thì chắc hẳn phải hơn những kẻ chất trong đầu bồ chữ nọ bồ chữ kia, rút cục không phát tiết nổi một ý tưởng nào. Trường hợp đó người Việt bảo: “học phí cơm” hoặc “học đổ cơm xuống cống”.

 

 

Có không ít người không dám sống với tinh thần “thể thao” hay đối thoại còn nói rằng: - Người ta không thèm đối thoại. “Không thèm” ư? Sao không ở nhà mà cứ thập thò ra ngoài ngõ muốn “ra vẻ ta đây” nói vài câu để thể hiện, trưng diện cho bản thân mình, đến khi người ta cầu thị hẳn hoi mời nói, lại bảo “không thèm”. Họ còn dẫn chứng mấy người có vẻ đức cao vọng trọng kiểu Tầu, thấy đại quân đi qua, thường xuống núi nói vài câu hoặc mấy từ thể hiện trình độ thời thế cao siêu lắm, nhưng quan quân đi tìm để xin cố vấn đàng hoàng, thì biến đi mất dép không thấy tăm hơi sủi bọt đâu. Đây là hạng người mà người Trung Quốc hiện đại gọi là đám hủ nho, khuyển nho, nói vật vờ ngoài rìa mấy câu nghe có vẻ lắm, nhưng chẳng bao giờ dám bước lên vũ đài tỉ thí đối thoại, để thấy lý kỳ cùng ai giỏi, ai kém?!

 

 

Chúng ta đều biết: một xã hội không có toà án nghĩa đen thì không có công lý. Và công lý sẽ không thể có nếu không có bằng chứng xác thực. Người Trung Quốc cảnh báo rằng: “khẩu thiệt vô bằng”, nghĩa là: nói xấu không cần bằng cớ. Ta có thể nói bâng quơ một câu về ai đó rằng: hình như nó ăn cắp, hình như nó hiếp dâm, mà không cần bằng cớ, có nghĩa là nói xấu người khác. Ở đâu, xã hội có luật dân sự chặt chẽ, thì kẻ nói xấu người khác vô cớ sẽ bị phạt tội.“Khẩu thiệt vô bằng” thì chỉ cách “gắp lửa bỏ tay người” một chút thôi.

 

Tôi đã từng gặp không ít chuyện thế này, có người bảo “trình độ của anh kém lắm”, “tác phẩm của anh tồi lắm, sai bét”.
Tôi liền hỏi: - Xin anh chỉ cho tôi một chỗ sai có được không?
Họ liền bảo: - Tôi việc gì phải nhớ chỗ sai của anh. Tự anh hãy biết và tìm lấy.
Không còn cách nào tôi liền bảo: - Anh đã chơi trò “khẩu thiệt vô bằng”.

 

 

Chúng ta hẳn sẽ đồng ý: một cá nhân, một nhóm người, một gia đình, một xã hội không thể tốt đẹp nếu không có công lý. Bởi vì, không có công lý, thì người ta mặc sức vu vạ, ăn hiếp, và đặt điều cho nhau. Chúng ta cũng biết: một gia đình hay xã hội không thể tốt đẹp, nếu mỗi người không thực hiện trách nhiệm của mình. Đơn giản như một cỗ máy kia, các chi tiết máy là các cá nhân ở đúng vị trí và chức năng của mình, nhưng nếu chi tiết đó không có trách nhiệm vận hành, giống chiếc kim giây không chạy, thì kim phút, kim giờ, rồi số hiển thị ngày, và tháng không hoạt động, xã hội như chiếc đồng hồ sẽ trở thành đồ phế thải. Vậy mà trách nhiệm lớn nhất của con người là ngôn ngữ, bởi lẽ ngôn ngữ là trí tuệ cũng là phương tiện tương giao hàng đầu giữa người với người, vậy mà trong giao tiếp ngôn ngữ của chúng ta lại không có trách nhiệm, thử hỏi: quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, xã hội sẽ ra sao?

 

 

Con người, lớn hơn là một công dân thì chí ít buộc phải có trình độ văn hoá tối thiểu để sống chung với mọi người. Người Việt có câu “Sợ người ở phải hãi người cho ăn”“cái gì của Chúa hãy đem trả cho Chúa, cái gì của Sê da hãy đem trả lại Sê da”, tức là chúng ta nên trả lại mọi việc cho người biết việc. Đồng hồ muốn vận hành thì kim giây chớ chạy cho kim giờ, còn kim giờ đừng chạy cho kim phút. Triết gia Socrate bảo: Không ai có sở trường về mọi sự, kể cả những người thông thái nhất, vì thế nên trao việc chuyên môn cho người có sở trường. mà. Trong đó, văn hoá đầu tiên của người ta thường là: 

 

 

Nhưng càng ngày chúng ta lại càng xuất hiện những ông “biết tuốt”. Nói cái gì cũng như thánh tướng, nhưng lại nói theo kiểu càn quấy vừa lấy thái độ trấn áp, vừa sẵn sàng nổi cáu để đem tâm lý can thiệp vào chân lý. Kể ra, có những người “biết tuốt” cũng đáng quý thôi, nhưng trái khoáy thay những người này sẵn sàng thể hiện và trưng diện kiến thức của mình song lại không dám chịu bất kỳ trách nhiệm nào về nó. Nổi cáu lên, ông coi trời bằng vung, chửi tuốt, coi các vĩ nhân và thiên hạ chẳng là gì. Trời ơi, những con người đó yếu hay mạnh? Người Trung Quốc có câu “có lý đi khắp thiên hạ, không có lý không đi quá một bước chân”. Để hiểu câu này chúng ta thử ngắm lũ lục làm thảo khấu, dù chúng rất bặm trợn, nhưng chúng không thể xông thẳng vào quán ăn, ăn xong không trả tiền, mà chúng phải đánh cướp tiền ở chỗ khác để bước vào hàng ăn. Vậy là cho dù là những kẻ sống ngoài pháp luật chúng cũng vẫn phải tuân thủ nguyên lý giá trị của đồng tiền.

 

 

Mới đây, nhờ có mạng Internet và blog cá nhân, có rất nhiều dạng không viết nổi một tiểu luận ngắn cũng nhảy bừa vào comment trăm thứ hệ trọng ở đời. Nhưng bài comment quá ngắn, chúng chưa đáng là gôn tôm để khơi chảy một logic nào cả, và cũng có rất nhiều bài chẳng thể hiện một chút nào trí tuệ có trách nhiệm của người viết. Người ta thả sức bàn tán, rồi bình luận cả trình độ, tài năng, và nhân cách của người khác nhẹ tựa vứt đi lông hồng, mà chẳng cần đưa ra bằng cớ gì cả. Như vậy, có khác gì “khẩu thiệt vô bằng”. Một thứ võ có thể ám sát các thiên tài, quốc gia và nhân loại?

 

 

Nhưng nhìn quả biết cây! Mấy lời thể hiện ta đây không bằng cớ có khác gì tuỳ tiện, mà người Trung Quốc gọi: kẻ tuỳ tiện cùng là thứ hạ tiện, vì không làm theo bất kể luật tắc nào. Kỹ thuật khi bị lạm dụng theo chiều hướng xấu nó sẽ phá hỏng thế giới như văn hào Rabelais người Pháp nói: “Khoa học không có lương tâm chỉ là táng bại tâm hồn” (…Science sans conscience n’est que ruine de l’ame)

 

 

Tất cả chúng ta đều hy vọng khoa học, mạng Intenet cũng như sự thuận lợi của các blog cá nhân sẽ góp phần làm cho cuộc đời chúng ta tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, cao cả hơn, và xứng đáng hơn…

 

Nhưng điều đó chỉ được thực hiện bằng trách nhiệm và lương tri của mỗi người. Mà lương tri là gì? Đó là, con người muốn có lương tâm thì trước hết phải có tri thức. Tri thức phải học hành cẩn thận đầy đủ mới có được, chứ đừng học lỗ mỗ để rồi đòi quảng diễn một lương tâm lỗ mỗ bé như gôn tôm mà còn thủng lỗ chỗ, sờ vào chỗ nào thủng chỗ đó. Mong rằng tất cả chúng ta đều biết cải thiện tri thức của mình để nó trở thành giá trị xứng đáng nhất./.

 



About the author

160