TOP 10 ĐIỂM DU LỊCH DU KHÁCH THÍCH CHỤP HÌNH NHẤT Ở VIỆT NAM

Posted on at


1. Phố cổ Hội An – Đà nẵng

Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển. Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Với kiến trúc cổ điển của khu phố cổ, của chùa Cầu, của những ánh sáng từ những chiếc đèn lồng của chợ đêm Nguyễn Hoàng đã thu hút du khách đến với Hội An và không quên nán lại để lưu giữ cho mình những tấm hình kỉ niệm ưng ý nhất.

2. Vịnh Hạ Long – Quảng Ninh

Vịnh Hạ Long (vịnh nơi rồng đáp xuống) thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh. Các đảo ở vịnh Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía Đông Nam Vịnh Bái Tử Long và vùng phía Tây Nam vịnh Hạ Long. Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển và ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái. 14 loài thực vật đặc hữu và khoảng 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật quần cư tại Vịnh. Cảnh trí thiên nhiên hài hòa, con người hiền hậu đã biến vịnh Hạ Long trở thành một trong những điểm tham quan du lịch nổi tiếng mà bất cứ du khách nào khi đã đền Việt Nam đều muốn một lần đặt chân tới đây

3. Nhà thờ Đức Bà – Tp. Hồ Chí Minh

Cho tới nay, tròn 130 năm, trải qua nhiều biến động chính trị, lịch sử, Nhà thờ Đức Bà vẫn là công trình kiến trúc tuyệt tác của đô thị Sài Gòn. May mắn không bị phá hủy bởi chiến tranh như nhiều công trình khác, nhưng thời gian dường như cũng không thể làm tàn phai sự lộng lẫy của kiến trúc đặc sắc này. Là một công trình khá đặc biệt về quy hoạch - nằm giữa quảng trường, liền kề với không gian giao thông quảng trường, không hề có hàng rào và khuôn viên kế cận; nhà thờ là một điểm nhấn trong không gian đô thị; có góc nhìn đẹp từ mọi phía. Khi thi công, hầu hết những nguyên vật liệu xây dựng, trang trí đều được chuyển từ Pháp sang như gạch xây, ngói, sắt thép, xi măng, kính màu trang trí và các kết cấu, phụ kiện kim khí…   Nhà thờ Đức Bà xứng đáng là một tuyệt tác kiến trúc, là một công trình tiêu biểu góp phần tạo nên diện mạo đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình cũng ghi nhận sự du nhập, giao lưu và tiếp biến của văn hóa - kiến trúc Đông - Tây. Ở đó kiến trúc sư đã thành công trong một thể loại công trình thuộc nền văn hóa Phương Tây nhưng xây dựng ở phương Đông; với những kết cấu và vật liệu mới, nhưng lại phù hợp với các điều kiện xã hội và khí hậu của bản xứ. Không chỉ những du khách ở xa đến, mà chính những người dân Sài Gòn hàng ngày đi qua vẫn trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp tráng lệ mà vẫn giản dị, uy nghiêm mà gần gũi. Trải qua bao năm tháng và biến động, công trình vẫn tồn tại giữa lòng Sài Gòn, như một dấu son đô thị.

4. Văn Miếu Quốc tử giám – Hà Nội

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Trong quần thể kiến trúc Văn Miếu độc đáo nhất có lẽ phải kể đến 82 Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long, hay bia tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám là các bia đá ghi tên những người đỗ Tiến sĩ các khoa thi thời Lê sơ, thời Mạc và thời Lê Trung hưng (1442-1779). Văn Miếu – Quốc Tử Giám được coi là một biểu tượng của sự trường tồn tinh hoa văn hóa, giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến đức, khuyến tài của dân tộc Việt, khẳng định những nét đẹp văn hóa, giáo dục trường tồn của dân tộc ta. Từ những giá trị lịch sử, văn hoá to lớn đó mà ngày nay: Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn là một địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng của Thủ đô, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan, cũng là điểm văn hóa du lịch được đón các đoàn khách quốc tế và Nguyên thủ quốc gia các nước đến tham quan nhiều nhất….

5. Hồ Gươm – Hà Nội

Nói đến Thăng Long - Hà Nội không thể không nhắc tới chùa Một Cột (thời Lý), Cột Cờ lịch sử trong thành Hoàng Diệu, điện Kính Thiên, bến Chương Dương bên sông Hồng, đến vườn hoa Ba Đình lịch sử. Nhưng mọi người dân Việt Nam hay người nước ngoài đến Hà Nội không thể không đến với hồ Gươm và mang theo nó trong ký ức, trong tâm thức thật khó phai mờ. Là lá phổi của thành phố, Hồ Gươm được xem là nơi hội tụ của huyền thoại và biểu tượng, một không gian phản chiếu những yếu tố tinh thần, tôn giáo, vừa linh thiêng huyền bí, vừa lãng mạn giàu chất thơ. Ngày Tết và những dịp lễ trọng của Hà Nội, của đất nước; nhân dân bốn phương đều về Hồ Gươm để chào đón năm mới, tham gia các sự kiện lịch sử. Du khách nước ngoài đến Việt Nam, không ai không đến Hồ Gươm. Các thi nhân nhiều người có thơ về Hồ Gươm. Đến Hồ Gươm du khách đều cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của mùa qua những sắc hoa ven hồ, hoa lộc vừng, hoa vàng anh, hàng liễu xanh biếc… mooic mùa hồ gươm lại khoác lên mình tấm áo thiên nhiên diệu kì mà ai một lần đến với nó không khỏi xao xuyến, bâng khuâng.

6. Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ

Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cái Răng, gần cầu Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ - thủ phủ của Tây Đô cũ). Cũng như những chợ nổi khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, chợ được hình thành để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa khi đường bộ và các phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển. Điều cuốn hút du khách hơn cả chính là việc vừa thăm chợ nổi vừa được thưởng thức các sản vật vùng sông nước ngay trên chính các ghe hàng của người dân nơi đây bằng tình cảm nồng ấm, trìu mến của người miền Tây. Du khách nước ngoài đi chợ nổi Cái Răng Chợ nổi Cái Răng không chỉ là nơi buôn bán sinh hoạt của người dân Cần Thơ mà nó còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Thỉnh thoảng lẫn trong những đám thuyền ghe chở đầy hoa quả, hàng hoá, lại thấy thấp thoáng những chiếc tàu du lịch cỡ nhỏ phục vụ khách thăm quan, trong đó có rất nhiều khách nước ngoài. Khách ta, khách tây đủ loại tất cả như bị cuốn vào nhịp buôn bán sôi động đang diễn ra trên sông. Đến chợ nổi Cái Răng, nhiều du khách thích nhất là cảnh chuyền hàng từ ghe này qua ghe khác rất nhịp nhàng, điệu nghệ. Hình ảnh này khiến cho rất nhiều du thuyền của khách du lịch len lỏi vào sát thuyền hàng để xem và chụp ảnh.

7. Thung lũng tình yêu Đà Lạt - Lâm Đồng

Cách trung tâm thành phố khoảng 6km về hướng Đông Bắc, Thung lũng Tình yêu là thắng cảnh thơ mộng và trữ tình nhất của Đà Lạt. Du khách có thể men theo những lối mòn hoặc leo cả trăm bậc, đi qua những cổng hoa với màu sắc rực rỡ để lên đồi Vọng Cảnh. Từ đây, Thung lũng Tình yêu hiện ra trong tầm mắt đẹp tựa một bức tranh sinh động. Thung lũng Tình Yêu là một địa danh du lịch sinh thái lý tưởng và hấp dẫn đã trở nên quen thuộc với du khách gần xa. Du khách cũng có thể vượt qua chiếc cầu nhỏ để khám phá đồi Địa Đàn, một địa điểm lí tưởng nhờ được bao quanh bởi hồ nước. Những cái balcon trắng toát soi bóng mặt hồ là những vị trí thuận tiện để câu cá hay hàn huyên tâm sự. Giữa thiên nhiên gió lộng, du khách tưởng như đang lạc vào một cõi tiên nào đó với màu xanh bất tận và ánh sáng khúc xạ diệu kỳ tạo thành những mãng không gian thực thực hư hư.

8. Cao nguyên Mộc Châu – Sơn La

Mộc Châu là cao nguyên rộng lớn và xinh đẹp nhất vùng núi phía Bắc thuộc tỉnh Sơn La. Nằm trên cung đường Tây bắc nổi tiếng với những cảnh quan kỳ vĩ, những ngôi làng xinh xắn ven đường với những mùa hoa cải, hoa đào, hoa mận ngút trời. Vượt chừng 200 km đi từ Hà Nội, chúng tôi đến cao nguyên Mộc Châu vào những ngày đầu mùa đông. Cái tiết trời se se lạnh cùng với những lớp sương mù dày đặc khiến cảnh vật thiên nhiên nơi đây đẹp lạ, mê mẩn hồn người.
Mỗi một mùa, Mộc Châu lại có một vẻ đẹp khiến du khách thích thú và không bao giờ chán. Hoa mơ hoa mận nở trắng cả cánh rừng mỗi khi xuân về, hoa cải phủ trắng khắp các con đường lung linh trong sương sớm hay như sắc vàng của hoa dã quỳ đung đưa trong nắng hai bên đường khi thu sang.

Và tất nhiên, du khách không thể nào bỏ qua những đồi chè bát ngát xanh mướt uốn lượn quanh các sườn núi. Những đồi chè ôm vòng vèo cả mảnh đất cao nguyên ấy,những con đường đất đỏ dốc ngược, tất cả tạo nên một vẻ đẹp cuốn hút đến kì lạ. Ở đó, một màu xanh mơn mởn đã rạng ngời trên khắp những đồi chè cao thấp và hương chè thơm ngào ngạt khắp cao nguyên......

Bạn sẽ có cảm giác vô cùng sảng khoái, thư giãn khi đứng giữa cánh đồng chè , tận hưởng bầu không khí trong lành mà chỉ những nơi rừng núi mới mang lại cho bạn. Thật là thích thú nếu được tạm rời xa nơi đô thị phồn hoa, để đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ , khoáng đạt như thế này…

9. Đồi cát Mũi Né – Phan Thiết - Bình Thuận

Đồi cát Mũi Né trải dài từ Bình Thuận đến Ninh Thuận, nhưng khu vực đẹp nhất nằm ở Mũi Né, cách thành phố Phan Thiết chừng 20km theo hướng Đông Bắc. Đây được xem là đồi cát có 1 không 2 ở Việt Nam, được hình thành từ mỏ sắt cổ với thời gian tồn tại hàng trăm năm. Tên gọi Đồi Cát Bay được bắt nguồn từ việc đồi cát không có hình dáng nhất định mà thay đổi liên tục theo giờ, theo ngày, theo tháng,… do sự bào mòn của gió, lực đẩy của gió đã tạo nên vô số hình thù kì thú. Bên cạnh đó cát ở đây nhiều màu sắc lấp lánh, trải dài như sa mạc hoang vu, không chỉ làm mê mệt bước chân du khách mà còn trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho các họa sĩ, nhiếp ảnh,… đặc biệt là các nghệ nhân tranh cát. Ở mỗi vị trí và thời gian khác nhau tại đồi cát Mũi Né, du khách sẽ có những khám phá thú vị về hình dáng, màu sắc, độ tương phản… Đây là nguồn cảm hứng vô tận để bạn thực hiện những bộ ảnh thú vị trong chuyến du lịch của mình và người thân. Và chụp lại những khoảng khăc khó quên nơi đại danh độc đáo này.

10. Buôn Đôn – Đắk Lắk

Cách Buôn Ma Thuột gần 50 km về phía Tây - Bắc có một vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ðó là Buôn Ðôn, nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc: Ê Ðê, M’nông, Gia rai, Lào, Thái... Buôn Ðôn cũng đã và đang trở thành một thương hiệu nổi tiếng của du lịch ĐăkLăk và Tây Nguyên nói chung. Đến đây, quý khách được thưởng thức những cảnh đẹp tuyệt vời của Làng Đảo, cũng cầu treo, ngắm thác bảy nhánh, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên trù phú và đặc biệt là được ngắm ngôi nhà dài hàng trăm mét của đồng bào Tây Nguyên. Ngoài các dịch vụ trên, bạn còn được tham quan nhà trưng bày các vật dụng sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và các dụng cụ săn bắt voi; được nghe thuyết trình về lịch sử hình thành Buôn Đôn, các phong tục tập quán và nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng rất nổi tiếng…

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM CHÍNH THỨC CÔNG BỐ THÔNG TIN



About the author

DangNguyen

Mình tên Đăng, mình đến từ Tp.HCM, Việt Nam. Mình 21 tuổi và mình hiện đã tốt nghiệp Đại Học Hutech chuyên ngành Xây Dựng nhưng hiện tại thì vẫn chưa có việc làm. Sở thích: Xem phim, Chơi games, đá bóng, nghe nhạc, đọc truyện. Tình trạng : Độc…

Subscribe 0
160