TOP 10 KHU DI TÍCH CÓ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI BIẾT ĐẾN

Posted on at


Các khu di tích lịch sử là nơi ghi dấu ấn một thời của lịch sử dân tộc ta. Đến các khu di tích lịch sử, mỗi người không chỉ hiểu hơn về lịch sử dân tộc của một thời kỳ mà còn được khám phá những điều thú vị, hiểu hơn về cuộc sống của một thời kỳ hay bản sắc của một dân tộc nào đó. 

1. Khu Di tích Đền Hùng (Phú Thọ)

Khu di dích Đền Hùng tọa lạc tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cách thủ đô Hà Nội chừng 100km. Di tích Đền Hùng là nơi ghi dấu 18 đời vua Hùng với nước Văn Lang.

Khu di tích có nhiều hạng mục chính: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, gác chuông, chùa Thiên Quang, lăng vua Hùng thứ 6 và đền Giếng.Theo truyền thuyết, đền Hạ là nơi bà Âu Cơ sinh ra được Trăm trứng, đền Trung là nơi lạc hầu, lạc tướng hội nghị, đàm đạo việc nước, đền Thượng là nơi vua Hùng lập đàn tế trời đất...; đền Giếng có giếng Ngọc, là nơi các nàng công chúa con gái vua Hùng soi bóng để chải tóc, chít khăn. Tại khu đền Giếng này, trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với Đại đoàn quân tiên phong một câu nói để đời: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tại khu di tích núi Nghĩa Lĩnh hiện còn lưu giữ, trưng bày nhiều di vật phế tích từ thời nước Văn Lang đến thời nhà Lý nước Đại Việt như: rìu đá, giáo đồng, gạch ngói, cột đá, gốm sứ, thạp đất...

Đền Hạ

Lễ hội Đền Hùng diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm với nghi thức long trọng, thiêng liêng của người Việt Nam.

2. Di tích Hồ Gươm – Đền Ngọc Sơn (Hà Nội) 

Hồ Hoàn Kiếm hay hồ Gươm là tên gọi của một hồ nước ngọt nằm ở quận Hoàn Kiếm, ngay trung tâm thủ đô Hà Nội, nơi có các con đường Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Tràng Thi, Bà Triệu… chạy ngang qua. Hồ rộng khoảng 120.000 m2, chiều dài vòng quanh bờ hồ là 1.750m. Hồ Gươm, Tháp Rùa, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn là một cụm di tích mang đậm không gian văn hóa, gắn liền với nếp sống, sinh hoạt của người dân đất Thăng Long - Hà Nội từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Xung quanh khu vực Hồ có các di tích văn hóa - lịch sử cùng nhiều công trình kiến trúc độc đáo như: đền Ngọc Sơn, đài nghiên tháp bút, cầu Thê Húc, lầu Đắc Nguyệt, Trấn Ba đình, tượng đài vua Lê Thái Tổ, tháp Hòa Phong… khiến cho khung cảnh hồ Gươm thêm đậm nét văn hóa và hết sức gần gũi với người dân nơi đây.

Khung cảnh tháp Rùa giữa hồ Gươm rêu phong, tĩnh lặng. Cầu Thê Húc đỏ rực quyện trong sắc nắng vàng tươi. Đền Ngọc Sơn với Đài Nghiên - Tháp Bút là biểu tượng của đạo học. Tiêu bản rùa Hồ Gươm gợi nhắc những huyền thoại về các cụ rùa ở Bờ Hồ và truyền thuyết hoàn gươm lịch sử từ thuở nào… Tất cả những hình ảnh đó đã ăn sâu vào trong tâm thức mỗi người dân Hà Nội ngay từ thuở nhỏ, khiến cụm di tích Hồ Gươm – đền Ngọc Sơn trở thành một chốn thân thương mà ai đi xa cũng nhớ về.

3. Quần thể Di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên)

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại của quân và dân Việt Nam đối với đội quân viễn chinh Pháp. Chiến thắng này đã làm sáng ngời lịch sử Việt Nam và khiến cho dư luận thế giới phải vô cùng khâm phục. 

Quần thể di tích lịch sử Điên Biên Phủ tập trung hầu hết ở thành phố Điện Biên. Lịch sử vẫn còn ghi rõ: năm 1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, bộ đội Việt Nam đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại, bắt sống 16.200 quân địch, trong đó có tướng chỉ huy De Castries, đánh bại hoàn toàn kế hoạch Na Va của Pháp và Mỹ, buộc Pháp phải ký hiệp định Genever công nhận quyền độc lập, tự chủ của nước Việt Nam. Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ gồm có: Đồi Him Lam, Đồi Độc Lập, Các đồi C, D,E, Đồi A1, Sân bay Mường Thanh, Hầm Sở chỉ huy quân đội Pháp (tướng De Castries), Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, Nghĩa trang đồi A1, Sở chỉ huy chiến dịch của Bộ đội Việt Nam.

Đài tưởng niệm chiến thắng Điện Biên Phủ

Tất cả những gì có ở đây đều được bảo quản cẩn trọng để thế hệ con cháu người Việt Nam và bạn bè khắp 5 châu tận mắt chứng kiến chiến thắng vẻ vang, oai hùng này.

4. Khu Di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)

Cổng vào Di tích cố đô Hoa Lư ở thị trấn Thiên Tôn

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam. Kể từ năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế ở Hoa Lư thì kinh đô Hoa Lư tồn tại 41 năm (968 – 1009), trong đó nhà Đinh 12 năm, nhà Tiền Lê 29 năm. Vùng đất này là nơi chất chứa những vật báu của trời, nơi nổi tiếng có nhiều danh lam thắng cảnh. Với địa thế đầu gối rừng, lưng áp biển, núi không cao mà hiểm, sông không sâu mà nước chảy xiết (Nguyễn Tử Mẫn). Các nhà chiến lược quân sự thời phong kiến coi đây là cổ họng giữa Bắc, Nam (Đại Nam nhất thống chí), là thành trì quân sự vững chắc của 2 triều đại Đinh, Tiền Lê

Kinh đô Hoa Lư được thiết kế chặt chẽ với 3 khu vực chính: Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam, vừa phù hợp với cuộc sống sinh hoạt của vua chúa vừa là thành trì kiên cố, rèn tập binh sĩ và bảo vệ sự an nguy cho kinh thành. Trải qua hơn 10 thế kỷ, nhiều di tích lịch sử ở cố đô Hoa Lư đã bị tàn phá, đổ nát…nhưng vẫn còn đó những di tích lịch sử thách thức với thời gian để sống mãi trong lòng du khách mỗi khi có dịp đến với vùng đất cố đô.

Đền thờ Đinh Tiên Hoàng

Đến thăm Khu di tích cố đô Hoa Lư tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) du khách sẽ viếng hai ngôi Đền tôn nghiêm, thờ hai vị vua Đinh và vua Lê nằm cách xa nhau chưa đầy 500m với kiến trúc và trang trí sinh động, sắc nét.

5. Khu Di tích thành Nhà Hồ (Thanh Hóa)

Thành Nhà Hồ là khu di tích lịch sử vừa mới được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Thành được xây dựng trên địa bàn 2 xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa năm 1397 dưới triều đại Hồ Qúy Ly. Xưa kia thành có tên là Tây Đô, nhưng người ta vẫn quen gọi là thành Nhà Hồ.

Cổng thành phía Nam

Mặt bằng của thành vuông, kích thước đo được là 870m x 883m, xung quanh thành có hào sâu, chiều cao trung bình là 5m, dày 3m. Mặt ngoài thành dựng bằng đá rất kiên cố. Thành có 4 cổng Đông, Tây, Nam, Bắc ứng với mỗi hướng ở giữa tường thành. Cổng thành xây kiểu vòm cuốn. Đặc biệt cổng phía Nam là cổng chính có 3 cửa, cửa giữa cao và rộng hơn hai cổng hai bên chừng nửa mét. Trong thành còn lại nhiều dấu vết của một hoàng cung. 

Cổng thành phía Tây

Thành Nhà Hồ thể hiện một trình độ rất cao về kĩ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 – 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào, bên cạnh đó, đến thăm thành nhà Hồ du khách còn tìm hiểu được dấu ấn văn hóa nổi bật của một nền văn minh tồn tại tuy không dài, nhưng luôn được sử sách đánh giá cao.

6. Khu Di tích Kim Liên (Nghệ An)

Đường vào làng Sen

Khu di tích Kim Liên hay Làng Sen là khu di tích quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách thành phố Vinh khoảng 12 km theo quốc lộ 46. Làng có nhiều hồ sen ở hai bên đường. Về mùa hè, sen nở trắng, hồng, tỏa hương thơm thoang thoảng, dịu dàng. Tại khu di dích này, Chủ tịch đã sống thời thơ ấu đến 5 tuổi. Trong căn nhà 5 gian khung gỗ, lợp tranh còn lưu giữ các hiện vật gốc như: bàn thờ, tấm sắc của vua ban Ân tứ ninh gia khi ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, bộ án thư, bộ phản gỗ, cái chõng tre, hòm gỗ, tủ bát đĩa... Ngôi nhà này do người dân làng Sen dựng năm 1901 để tặng cụ Nguyễn khi cụ đỗ Phó bảng (một học vị cao chỉ sau Tiến sĩ) đem lại vinh dự, niềm tự hào cho người làng Sen.

Khu di tích Lịch sử Kim Liên

Rời quê nội của Chủ tịch, du khách sẽ đến thăm quê ngoại của Người ở làng Chùa nằm cách làng Sen chừng 2km. Làng Chùa là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và được ông bà ngoại, cha mẹ nuôi nấng trong những năm tháng trẻ thơ.

Làng Sen và làng Chùa là khu Di tích lịch sử hàng năm tiếp đón hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm.

7. Thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị)

Thành Cổ Quảng Trị thuộc thị xã Quảng Trị (cổng chính nằm trên đường Lý Thái Tổ), cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Đông. Thành Cổ Quảng Trị được xây dựng từ thời vua Gia Long và đến thời vua Minh Mạng mới hoàn thiện, kéo dài gần 28 năm (1809-1837). Trải qua thời gian và chiến tranh ác liệt, thành cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, cổng tiền, hậu… Thành cổ Quảng Trị ngày nay được xây dựng lại và tượng đài Thành cổ Quảng Trị ngày nay là nơi thiêng liêng để tưởng niệm và tri ân những Anh hùng Liệt sỹ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Phía tây Thành Cổ, song song con đường từ cửa hữu của thành ra thẳng bờ sông Thạch Hãn ngày nay là một công viên, quảng trường rộng lớn, nối liền quần thể di tích Thành Cổ - sông Thạch Hãn; gồm các hạng mục chính như tháp chuông, nhà thả hoa đăng hai bên bờ sông.

8. Quần thể Di tích Kinh thành Huế (TT Huế)

Kinh thành Huế được xây dựng thời vua Gia Long (1805) và hoàn thành năm 1832 (thời vua Minh Mạng). Kinh thành Huế nằm ở tả ngạn sông Hương, rộng 5,2km2, được xây dựng theo kiến trúc phương Tây kết hợp hài hòa với kiến trúc thành trì phương Đông. Kinh thành gồm 3 vòng thành là: phòng thành, hoàng thành và tử cấm thành. Bên trong phòng thành và hoàng thành là một tổng thể với hàng trăm công trình kiến trúc lớn, nhỏ. Khởi đầu là Kỳ đài đến Ngọ Môn, sân Đại Triều Nghi, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh... và cuối cùng của Đại nội là cửa Hòa Bình.

Hoàng thành hay Đại nội là vòng thành thứ hai, có chu vi 2450m, có 4 cửa ra vào: cửa Ngọ Môn; cửa Hòa Bình; cửa Hiển Nhân và cửa Chương Đức. Ngọ Môn là cửa chính hướng về phía Nam, chỉ dành cho vua đi, công trình kiến trúc này còn lại gần như nguyên vẹn

Điện Thái Hòa là nơi vua thiết triều, Thế Miếu, Hiển Lâm Các, Cửu Đỉnh, cung Diên Thọ... Tất cả các công trình kiến trúc này hiện được bảo tồn nguyên vẹn.

Đến với quần thể Di tích Kinh thành Huế, du khách còn có dịp chiêm bái những ngôi chùa cổ có niên đại hàng trăm năm và tham quan lăng tẩm các vị vua chúa triều Nguyễn như: lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định... hoặc đến các khu nhà vườn rộng hàng hécta với vườn cây ăn trái, vườn hoa... là chốn đi về của các bậc vương tôn, công tử, công nương, công chúa ngày xưa mà nay vẫn còn lưu lại nét thanh tao, quyền quý.

9. Khu Di tích lịch sử Địa Đạo Củ Chi (TPHCM)

Địa đạo Củ Chi là một địa danh lịch sử có một không hai trên đất nước Việt Nam. Địa đạo Củ Chi gồm 2 cụm: một ở Bến Dược, ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng và một ở Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, cách trung tâm T.P Hồ Chí Minh 75km về phía tây bắc.

Chỉ với cái cuốc, cái xẻng, cái ki xúc đất bằng tre, quân và dân Củ Chi đã đào hơn 200km đường ngầm dọc ngang, chằng chịt, kết cầu nhiều tầng dưới lòng đất. Công trình quân sự, chiến lược này là một công trình kiến trúc độc đáo được thi công từ thời kháng chiến chống Pháp năm 1948 (chỉ 17 km đường hầm) và đến đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, những người yêu nước ở Củ Chi đã đào thêm gấp hơn 10 lần (trên 200km). Trong cuộc chiến tranh vừa qua, vùng địa đạo Củ Chi đã nhiều lần khiến quân Mỹ và quân đội Sài Gòn phải "thất điên bát đảo”, tổn thất nặng nề, nhưng chúng không làm sao phá được hệ thống địa đạo liên hoàn, kiên cố, tài tình "thiên biến vạn hóa” của quân dân Củ Chi.

Biểu tượng Hồn thiêng đất nước

Ngày nay, đến với khu di tích lịch sử Địa Đạo Củ Chi, du khách ngoài việc khám phá, trải nghiêm khi cúi người, khom lưng đi một đoạn đường hầm ngắn dưới địa đạo, sau đó tham quan vùng tái hiện làng mạc thôn xóm ở Củ Chi trong thời chiến tranh, hoặc đến Đền thờ Bến Dựoc đốt nén hương thơm tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này.

Sau năm 1975, đã có hàng triệu, triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan khu di tích lịch sử Địa Đạo Củ Chi, trong đó có nhiều vị nguyên thủ quốc gia các nước phương Tây và châu Mỹ La tinh.

10. Dinh Thống Nhất – Tp. Hồ Chí Minh 

Dinh Thống Nhất là một di tích đặc cách đương đại nổi tiếng tại Việt Nam. Dinh Thống Nhất là Trụ sở của cơ quan đầu não Chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 có tên gọi là Dinh Độc Lập. Thời Pháp thuộc, đây là dinh Norodom, nơi đặt Phủ Toàn quyền Đông Dương. Sau hiệp định Genever, Pháp rút về nước bàn giao dinh thự lại cho Ngô Đình Diệm, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa làm trụ sở tối cao. Năm 1962, dinh được xây dựng lại theo thiết kế bản vẽ của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và được đổi tên là Dinh Độc Lập. Diện tích mặt bằng xây dựng là 2000m2, với 5 tầng lầu (tính luôn cả tầng trệt). Tòa nhà có tất cả 100 phòng làm việc và ở của Tổng thống và Phó tổng thống. Bên dưới tòa nhà có đường hầm để tránh bom hạng nặng và làm nơi thông tin liên lạc.

Năm 1975, xe tăng của quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập đúng 11g30 ngày 30 tháng 4, chấm dứt chế độ Sài Gòn kéo dài hơn 20 năm.

Cũng như Địa Đạo Củ Chi, Dinh Thống Nhất là địa chỉ thích hợp, thu hút số lượng lớn du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam. 



About the author

DangNguyen

Mình tên Đăng, mình đến từ Tp.HCM, Việt Nam. Mình 21 tuổi và mình hiện đã tốt nghiệp Đại Học Hutech chuyên ngành Xây Dựng nhưng hiện tại thì vẫn chưa có việc làm. Sở thích: Xem phim, Chơi games, đá bóng, nghe nhạc, đọc truyện. Tình trạng : Độc…

Subscribe 0
160