nhac vang

Posted on at


Nhắc đến nhạc vàng là người ta thường nhắc đến dòng nhạc uỷ mị hay ngày nay còn gọi là "sến". Có nhiều người dị ứng với nhạc "sến" đến nỗi nghe đến tên thôi là đã nhăn mặt, đánh đồng nhạc vàng với bài nhạc trẻ của những "người trẻ rên rỉ" . Cuối những thập nhiên 90 trong khu phố nhà tôi rất nhiều người nghe nhạc vàng, nhưng họ lại không dám bật to âm lượng của loa cho hàng xóm nghe cùng. (Không phải họ lịch sự đâu, vì khi bật nhạc nhảy hay dân ca... họ vẫn bật ầm ầm). Họ sợ người khác biết rằng họ đang nghe nhạc vàng, sợ "chính quyền" đánh giá, nhưng những "người khác" đó cũng đang nghe cùng thể loại nhạc y như họ, và "chính quyền" thì cũng thủ trong mình những băng catset nhạc mùi. Vậy tại sao nhạc vàng lại có chỗ đứng như vậy.
Trong nền âm nhạc đương đại của Việt Nam có nhiều dòng nhạc đã đi vào lòng công chúng. Mỗi thể loại nhạc lại có một đặc điểm, một cách dẫn dắt tâm trạng con người. Có thứ hào hùng sôi nổi, lại có thứ trầm bổng nhẹ nhàng. Tuy nhiên không có thứ âm nhạc nào làm được điều như nhạc vàng làm. Không thanh cao như nhạc Trịnh, không rộng lượng như nhạc Ngô Thuỵ Miên, không lãng đãng như Thanh Tùng, Phú Quang, cũng không hoành tráng như dòng nhạc khiêu chiến (Định gọi là nhạc đỏ nhưng nhớ ra các cấp chính quyền vẫn gọi nhạc vàng là dòng "phản chiến" nên đành gọi nhạc đỏ ủng hộ họ là dòng "khiêu chiến"), nhạc vàng không đại diện cho tiếng nói của bất kỳ tổ chức hay mang âm hưởng của riêng cá nhân nào. Nó là tiếng nói của từng con người, từng thân phận trong xã hội. Xét về nhạc lý, chất liệu mộc mạc của nhạc vàng chỉ là những bản bolero, nhưng quy mô của nhạc vàng quá đồ sộ, và sự đa dạng trong lời ca thể hiện đầy đủ tâm trạng con người trước những thay đổi của xã hội, những biến chuyển trong tình yêu và sự thiên di của tâm hồn đến những nơi người ta muốn hướng đến. Không, tôi không phải là một chàng trai cao thượng có thể vui vẻ khi người yêu bên người khác, cũng chẳng phải chàng nghệ sĩ lang thang viết cho người mình yêu những bản tình ca lãng đãng phiêu du. Tôi chỉ là một người bình thường trong xã hội. Một anh nông dân, một chị đi ở, một người thợ thủ công thể hiện đúng nỗi lòng của mình trước những trái ngang trong cuộc sống và tình yêu. Đó là nỗi lòng thật. Và chính cái thật ấy làm nên sức sống mãnh liệt của nhạc vàng, bám rễ trong lòng người bao nhiêu năm qua, bất chấp sự cấm đoán của cả hai bên tham chiến trước và sau 1975. Có người lính nào chiến đấu mà không nhớ vợ ở hậu phương, không mong cuộc chiến kết thúc? Có chàng trai nào thật lòng si mê một cô gái mà không ngày nhớ đêm mong, đem những lời ngọt ngào ra thể hiện nỗi lòng? Có người nào không đau lòng khi thấy người yêu mình bên kẻ khác? Có ai không nuối tiếc khi biết mình sẽ không bao giờ gặp lại người mình thương? Xét cho cùng âm nhạc chẳng phải là công cụ để thể hiện tiếng lòng của mỗi con người trong từng hoàn cảnh hay sao? Vậy nên cho dù ban ngày anh có lên tiếng phủ nhận thì đêm về tôi biết anh vẫn bật lên nghe.
Để mở đầu cho mỗi ngày một bài viết cảm thụ âm nhạc, xin được dành vị trí ca khúc đầu tiên cho nhạc vàng.



About the author

160