Vì sao thế giới nín thở, mong chờ Scotland nói “Không” với độc lập?

Posted on at


Cả thế giới đang nín thở, nhưng chủ yếu là hy vọng Scotland sẽ bỏ phiếu "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý hôm nay (18.9) về việc tách ra độc lập khỏi Vương quốc Anh hay không.

Vì các lợi ích cá nhân cũng như chính trị, các cường quốc lớn từ Bắc Kinh đến Washington, từ Mátxcơva đến New Dehli đều đang âm thầm sát cánh với Vương quốc Anh để không tạo ra một tiền lệ có hiệu ứng domino khiến các thể chế tan rã, mất ổn định.

Trong số các đối tác Liên minh Châu Âu (EU) của Anh, Đức đã công khai tuyên bố mong muốn Liên hiệp Vương quốc Anh không bị chia tách. Trong khi các nước khác, đặc biệt là Tây Ban Nha, Bỉ và Ý đang hy vọng cuộc trưng cầu dân ý không diễn ra hay không làm trầm trọng thêm vấn đề đoàn kết quốc gia của thể chế này.

Nga và Trung Quốc, vốn hay bất hòa với Anh tại Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc, lại đang có bất ổn trong nước nên không bày tỏ quan điểm thẳng thừng, vì cả hai đều mong muốn bóp nghẹt chủ nghĩa ly khai tại nước mình. Nga nêu ý kiến rằng đó là vấn đề nội bộ của Anh. Trung Quốc không có phát biểu chính thức, song tờ Nhân dân nhật báo tuần này viết: "Không nghi ngờ gì nữa, đây là tình huống khiến cả đôi bên mất mát".

Mỹ từng tuyên bố rõ ràng rằng nước này mong muốn Anh vẫn là một "đối tác mạnh mẽ, thống nhất và hiệu quả", đồng thời cũng nói rằng đó là sự lựa chọn của Scotland.

Chỉ có một nhóm, mà hầu hết các thành viên, đều ủng hộ việc tách ra độc lập của Scotland đó là các dân tộc chưa tách ra độc lập để có thể chế riêng biệt gồm xứ Catalan của Tây Ban Nha, Kashmiris ở Ấn Độ, tộc người Kurd sống rải rác trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và một số vùng khát khao tự trị khác.

"Cơn lốc xoáy dưới dòng nước"
Các cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland và tại vùng Catalonia của Tây Ban Nha giống như "một cơn lốc xoáy dưới dòng nước đối với sự toàn vẹn của Châu Âu", Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cảnh báo hôm qua (17.9).

Ông Rajoy nói với các nghị sĩ rằng những tiến trình như vậy tạo "thêm suy thoái kinh tế và đói nghèo".


Những người Catalan ủng hộ việc độc lập cảm thấy được khích lệ về những gì đang diễn ra tại Scotland. Ảnh: BBC Ông Rajoy cho rằng tinh thần thời đại là hội nhập chứ không phải tách riêng, và đó là lý do khiến ông thấy rất khó chấp nhận việc cho tổ chức trưng cầu dân ý.

Nếu Scotland ủng hộ việc độc lập, thì nước này sẽ phải tái nộp đơn xin gia nhập thành thành viên của EU, ông Rajoy cho hay.

Người dân Catalan ủng hộ việc giành độc lập đang theo dõi sát sao cuộc trưng cầu tại Scotland về việc tách ra khỏi Vương quốc Anh, sẽ diễn ra hôm nay (18.9), và có kế hoạch tổ chức tương tự tại vùng Catalonia vào tháng 11.

Quốc hội vùng Catalonia dự kiến sẽ bỏ phiếu vào ngày 24.9 về một nghị quyết mở đường cho việc tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 11 xem có muốn độc lập khỏi Tây Ban Nha hay không.

Hôm 11.9, hàng trăm nghìn người Catalan đã hình thành một hình chữ V, đại diện cho chữ "vote" tức bỏ phiếu, ở dọc hai con đường lớn của Barcelona để kêu gọi được quyền bỏ phiếu. Nhưng chính phủ Tây Ban Nha phản đối bất kỳ bước đi nào tiến tới việc tách ra độc lập, và việc được chính quyền trung ương chấp nhận là đòi hỏi bắt buộc để việc tổ chức trưng cầu dân ý được coi là hợp hiến.

Thủ hiến vùng Catalonia Artur Mas trước đó đã cam kết sẽ tổ chức bỏ phiếu vào ngày 9.11. Ông Mas nói với BBC hồi tuần trước rằng ông hy vọng Scotland sẽ bỏ phiếu "thuận" trong kỳ trưng cầu dân ý, bởi ông tin rằng một Scotland độc lập sẽ được chấp nhận vào EU, và điều đó cho thấy một vùng Catalonia độc lập cũng có thể mong đợi nhận được điều tương tự.

Catalonia là một trong những vùng giàu có nhất và công nghiệp hóa nhất của Tây Ban Nha, và cũng là một trong những vùng có tâm lý muốn độc lập nhất. Cho tới gần đây, không mấy người Catalan muốn hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế của Tây Ban Nha đã làm tăng khuynh hướng muốn tách riêng.



About the author

BJMPRO

DATE : 06/06/1991

Subscribe 0
160