Vì tiền, thế giới chậm trễ tìm thuốc trị Ebola

Posted on at


Ngày 3-11, lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên án chỉ trích ngành công nghiệp dược phẩm khi quá chú tâm vào lợi nhuận mà không tìm ra phương thuốc chữa trị cho dịch bệnh Ebola.

Ngành công nghệ y dược đã trì hoãn việc nghiên cứu thuốc trị Ebola vì không sinh lợi nhuận (Ảnh Minh họa)

Ngành công nghệ y dược đã trì hoãn việc nghiên cứu thuốc trị Ebola vì không sinh lợi nhuận (Ảnh Minh họa)

 

Tiến sĩ Margaret Chan, tổng giám đốc WHO, đã lên tiếng chỉ trích về sự thiếu hiệu quả của các hệ thống y tế công cộng tại những quốc gia đang bùng phát dịch nặng nề nhất.

Theo số liệu mới nhất trên được WHO cập nhật vào 31-10, có ít nhất 13,567 người đã bị nhiễm vi rút Ebola. Trong đó 4,951 người đã tử vong. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều được phát hiện tại Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Tiến sĩ Margaret Chan khẳng định WHO đã cảnh báo từ lâu về “lòng tham” của các nhà phát triển thuốc và sự “chểnh mảng” trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Bà cho biết: “Hai lời cảnh báo tứ WHO đã kéo dài hàng thập kỷ nhưng chả ai quan tâm. Giờ đây, cả thế giới đang phải gánh chịu hậu quả mỗi ngày”.

Vi rút Ebola, hiện được biết với cái tên Ebola Zaire, đã được phát hiện tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1976. Nhưng vì dịch bệnh chỉ lây truyền hạn chế trong các nước châu Phi đói nghèo, quá trình nghiên cứu thuốc chữa trị đã không được đầu tư hiệu quả.

Margaret Chan khẳng định: “Một ngành công nghiệp xem trọng lợi nhuận chắc chắn sẽ không đầu tư vào sản phẩm không thể bán ra được”. Tuy nhiên, trước tình hình đại dịch có thể lan rộng sang các nước giàu, ngành y dược thế giới đã bắt đầu đẩy mạnh tìm kiếm phương thuốc chữa trị.

WHO hy vọng sẽ bắt đầu các cuộc thử nghiệm vắc-xin sớm nhất vào tháng 12 năm nay, và sẽ đưa chúng vào sử dụng thực tế vào tháng 4 năm sau nếu có kết quả khả quan.

Bà Magaret Chan lên tiếng chỉ trích ngành chông nghiệp dược phẩm vị lợi nhuận (ảnh: WHO)

 

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm hai loại vắc-xin thử nghiệm trên cơ thể người tình nguyện khỏe mạnh tại Hoa Kỳ và các nước khác nằm ngoài khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở Tây Phi.

Một loại vắc-xin đã được phát triển bởi Học viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ và công ty GlaxoSmithKline, loại còn lại do chính phủ Canada và công ty NewLink Genetics thực hiện. Các quan chức WHO cho hay, năm loại vắc-xin khác sẽ được thử nghiệm trên cơ thể con người vào đầu năm 2015.

 

Theo: phapluattp.vn



About the author

160