Sóng gió giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc

Posted on at


Khi tới thăm Afghanistan trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là ông Robert Gates kinh ngạc khi phát hiện một đường dây điện thoại tại trụ sở tác chiến đặc biệt của quân đội Mỹ ở Afghanistan, được kết nối trực tiếp tới một quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Nhà Trắng.













Hagel-Obama-Reuters-500-7004-1417495013.

Tổng thống Obama (phải) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Hagel sau tuyên bố từ chức của ông này tại Nhà Trắng hôm 24/11. Ảnh: Reuters



"Tôi ra lệnh cắt đứt đường dây điện thoại này ngay lúc tôi đứng đó" APdẫn lời Gates kể lại. "Tôi nói với các sĩ quan chỉ huy của mình rằng: 'Nếu các anh nhận được cuộc gọi từ Nhà Trắng, hãy bảo họ xuống thẳng địa ngục ấy, rồi báo cho tôi'".


Đối với Gates, vụ việc đường dây điện thoại ở Kabul trở thành biểu tượng cho thấy nỗ lực của ông Obama nhằm quản lý Lầu Năm Góc ở tầm vi mô và tập trung quyền lực vào tay Nhà Trắng.


Theo giới phân tích, Chuck Hagel, ông chủ thứ ba của  Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Obama, được lựa chọn một phần là do ông có sự tôn trọng đối với những cố vấn thân cận trong bộ máy của ông Obama tại Nhà Trắng. Tuy nhiên Hagel cũng dần dần thể hiện thái độ bất bình đối với cái mà ông coi là "sự thiển cận của Cánh Tây". Cánh Tây là khu văn phòng làm việc của các trợ lý thân cận tổng thống Mỹ ở Nhà Trắng.


Một số thành viên nội các khác cũng có những lời phàn nàn tương tự, nhưng mối bất hòa giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc dường như trở nên đặc biệt sâu sắc trong suốt 6 năm ông Obama làm tổng thống. Thực tế này có lẽ đang ảnh hưởng đến những khả năng lựa chọn người thay thế ông Hagel, vừa từ chức hôm 24/11.


Chỉ vài giờ sau khi ông Hagel tuyên bố rút lui, Michele Flournoy, cựu quan chức Lầu Năm Góc cũng đề nghị ông Obama xóa tên bà khỏi danh sách ứng viên cho chức danh Bộ trưởng Quốc phòng, mặc dù bà được xem như là lựa chọn số một cho vị trí này. Nếu được chọn, bà sẽ là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Lầu Năm Góc.


Bà Flournoy lấy lý do gia đình nhưng những người thân thiết cho biết bà rất e ngại việc sẽ bị hạn chế trong hành động giống như ông Hagel. Flournoy có lẽ chờ đợi xem trong tương lại liệu bà có thể ngồi vào vị trí này không nếu ứng viên của đảng Dân chủ, bà Hillary Rodham Clinton, chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.


Người được ông Obama lựa chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng sẽ tham gia vào đội ngũ an ninh quốc gia, cơ quan đang chịu sự chỉ trích gay gắt quanh cách thức mà họ đối phó với sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Ông Obama đã cho phép tiến hành các cuộc không kích ở hai quốc gia trên đồng thời gửi khoảng 3.000 lính Mỹ đến đào tạo và hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq.


Ông Obama vẫn kiên quyến từ chối gửi bộ binh tới chiến trường và khẳng định chiến dịch quân sự của Washington không nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad. Cuộc nội chiến kéo dài hơn ba năm tại đây đã tạo cơ hội cho IS bành trướng và phát triển lực lượng.


Chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ khác xa so với những gì ông Obama vạch ra khi chạy đua vào Nhà Trắng và những cam kết chấm dứt cuộc chiến trên đất Iraq và Afghanistan, theo AP.


Những mối bất đồng


Lầu Năm Góc cho rằng ông Obama đang tỏ ra hoài nghi với quân đội cũng như xu hướng thiên về dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề.  Đối với một số quan chức Lầu Năm Góc, phương pháp tiếp cận quân đội của tổng thống dường như quá lạnh nhạt và xa cách khi so sánh với người tiền nhiệm George W. Bush. Ông Bush được nhận định là quan tâm hơn tới những đường hướng của quân đội và sẵn sàng chấp nhận các đánh giá từ giới quan chức quân sự.


Theo ông Sephen Biddle, giáo sư khoa chính trị thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Elliott, Đại học Washington, cố vấn không thường xuyên của các tướng lĩnh quân đội Mỹ, Nhà Trắng đang trở thành nạn nhân của "lối suy nghĩ nhóm" và trở nên nghi ngờ những lời khuyên hay quan điểm trái ngược, thách thức cách tư duy của họ. "Đó là một đường lối phát triển chính sách tồi tệ", AP dẫn lời Biddle nhận xét.


Đối với các quyết định liên quan tới chính sách đối ngoại, ông Obama thường tham khảo lời khuyên của cố vấn an ninh Susan Rice và chánh văn phòng Denis McDonough. Ngoại trưởng John Kerry đảm nhiệm một số lĩnh vực có sức ảnh hưởng, đặc biệt là việc đàm phán hạt nhân với Iran. Giới quan sát cũng nhận thấy mối quan hệ giữa ông Obama và tướng Martin Dempsay, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đang trở nên gần gũi hơn. Bộ máy dường như hoạt động rất trơn tru.


Tuy nhiên, ở Lầu Năm Góc, các quan chức cấp cao lại nói rằng họ ngày càng cảm thấy thất vọng khi Nhà Trắng thiếu phương hướng và sự rõ ràng trong chính sách. Điều này cản trở khả năng phản ứng nhanh của quân đội trước các tình huống khẩn cấp. Những góp ý về chính sách từ Lầu Năm Góc thường được bàn thảo quá tỉ mỉ và kỹ lưỡng tại Nhà Trắng, khiến các quyết định quan trọng đôi khi bị trì hoãn, thậm chí đi tới những kết luận vẫn mơ hồ.


Lãnh đạo Lầu Năm Góc năm qua cũng cảm thấy bối rối trước các cuộc thảo luận dai dẳng của Nhà Trắng quanh những vấn đề liên quan đến khủng hoảng ở Ukraine và sự phát triển của IS.


Hồi giữa năm, ông Hagel gửi đến bà Rice một bản ghi nhớ phản ánh những suy nghĩ của các chỉ huy quân đội tại Syria. Theo đó, họ cảm thấy chiến lược của ông Obama thiếu tính gắn kết và tổng thống thường đưa ra quá nhiều những quyết định chỉ áp dụng một lần. Ví dụ như việc vũ trang cho các tay súng người Kurd đang chiến đấu chống lại IS ở thị trấn biên giới Kobani. Hagel và các tướng lĩnh quân đội cũng cảm thấy không yên tâm về sự thiếu rõ ràng trong hành động và thái độ của ông Obama với chính quyền của Tổng thống Syria Assad.


Đối với khủng hoảng ở Ukraine, ông Hagel từng nhiều lần thúc giục Nhà Trắng đẩy nhanh tốc độ của các cuộc tranh luận quanh việc viện trợ phương tiện quân sự không sát thương cho quân đội Ukraine đồng thời tìm kiếm những giải pháp mới cho khủng hoảng, trong khi những sách lược cũ đã được chứng minh là không hiệu quả.


Các cố vấn của Tổng thống Obama phủ nhận thông tin cho rằng ông Hagel bị ép từ chức. Họ đưa ra lý do cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa không còn phù hợp với công việc mà ở đó dường như ông chưa bao giờ cảm thấy thoải mái. Họ cũng phản bác ý kiến cho rằng Nhà Trắng mất quá nhiều thời gian để ra quyết định hành động. Họ lập luận rằng quá trình ra quyết định của ông Obama phản ánh tính phức tạp của vấn đề.


Nhưng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gates lại đánh giá rằng "khi một tổng thống muốn tập trung quyền lực tại Nhà Trắng với sự quản lý ở mức độ như tôi đã mô tả, thì đó không phải là vấn đề hành chính nữa, đó là vấn đề chính trị".





About the author

thanhthuong

I post short magical videos!! Hope you enjoy! zach king

Subscribe 0
160