Cách lập kế hoạch tạo blog trước khi viết blog

Posted on at


 


 


Lên kế hoạch tạo blogCó bao giờ chúng ta tự hỏi rằng, mỗi ngày tại Việt Nam có bao nhiêu blog được lập ra? Mình nghĩ con số chắc không phải chỉ vài cái đâu, mà bằng chứng là mình liên tục thấy mọi người cùng nhau giới thiệu các blog mới. Nhộn nhịp là vậy, nhưng tại sao chúng ta lại nghĩ rằng phong trào tạo blog tại Việt Nam không còn sôi nổi như trước nữa? Lý do duy nhất mình nghĩ ra được ngay lúc này đó là blog được tạo ra tuy nhiều nhưng lại không có bao nhiêu blog thật sự phát triển.

 




Tại sao?


Có nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan được đặt ra, nào là không có thời gian, nào là không có kinh phí, nào là không có chủ đề để viết,…v..v..Đủ loại lý do được đưa ra nhằm biện hộ cho sự ra đi của blog mình. Nhưng theo mình nghĩ, lý do quan trọng ở đây đó là nhiều người không có một kế hoạch làm blog rõ ràng, đầy đủ, bạn có đồng tình với ý kiến của mình không? Nếu chúng ta có chung ý kiến, hãy cùng tiếp tục mình thảo luận về việc lập kế hoạch tạo blog chuyên nghiệp mà mình sẽ trình bày trong bài này đây.

VÌ SAO CHÚNG TA LẠI CẦN BẢN KẾ HOẠCH?


Câu hỏi hơi bị chuối nhưng không phải là không hỏi. Trong đời sống, bạn luôn lên kế hoạch khi bắt đầu làm một việc gì đó, bản kế hoạch đó sẽ giúp bạn biết được mình sẽ cần phải làm gìlường trước được những rủi ro có thể xảy ra và quan trọng hơn hết là có cách đối phó tùy theo từng thời điểm làm việc.

Khi bạn làm việc, bạn cũng có kế hoạch đàng hoàng, thế tại sao lại không chuẩn bị một bản kế hoạch cho việc làm blog, cái việc mà bạn làm vì sở thích cá nhân của chính bạn. Chúng ta thường có thói quen xấu là làm cái gì cũng muốn nó trở nên thành công, tốt đẹp nhưng lại không chịu đầu tư công sức tiền bạc đúng mức, thế thì chẳng khác gì ngồi há miệng chờ sung.

Một bản kế hoạch cá nhân để làm blog không có gì quá to tát, chỉ cần bạn ghi chú một vài điều trong đó và cố gắng giải quyết hết những câu hỏi phát sinh được đặt ra thì bạn đã có một bản kế hoạch tương đối hoàn chỉnh. Nếu hiện tại bạn chưa có kinh nghiệm làm bản kế hoạch để tạo blog thì cũng đừng lo lắng, mình sẽ giúp bạn hoàn thành nó ngay bây giờ.

CHUẨN BỊ KẾ HOẠCH LÀM BLOG


Mục tiêu bạn tạo cái blog này ra là gì?


Mình nhớ mang máng là có đọc ở đâu đó một câu đại loại kiểu như “Nếu bạn sống mà không có mục đích thì cũng giống như đang xem TV mà không cầm remote vậy“. Viết blog cũng thế (và làm gì cũng vậy), chúng ta luôn phải tự mình đưa ra những mục tiêu để có thể phấn đấu nhằm đạt được cái mình muốn. Nếu bạn chưa có bất cứ lý do hay mục tiêu gì để làm blog, thì thôi tạm thời đừng làm.

Còn nếu có, thì hãy xem xét rằng nó có thật sự đủ lớn để bạn phải phấn đấu không ngừng mệt mỏi trong một thời gian dài hay không. Một số lý mục tiêu điển hình mà nhiều người tạo blog ra muốn đạt được như:

1. Muốn được nổi tiếng


Ngày nay việc nổi tiếng có khá nhiều cách chứ không phải bước chân lên showbiz, lắc mông khoe vú mới nổi tiếng mà viết blog cũng có thể nổi tiếng nữa đấy. Mặc dù mức độ nổi tiếng không phải quá ồn ào như những minh tinh điện ảnh nhưng nhiều blogger chuyên nghiệp vẫn có một chỗ đứng tên tuổi rõ ràng trong một lĩnh vực mà họ tham gia viết lách. Chẳng hạn như:


  • Xã hội, chính trị: Nguyễn Ngọc Long, chú Bọ Lập,….

  • Internet Marketing: Lý Bầu, Dũng Gờ,…

  • Du lịch: Bay Nhé.

  • Kỹ thuật công nghệ – Etc.. : Nhóm blogger Procul, Demon Warlock – Minh Mẫn, Thạch Phạm, Trần Tỉnh, Danny Nguyễn,….


Mình không có trí nhớ tốt lắm nên tạm thời chỉ nhớ được bấy nhiêu nhưng mình chỉ biết rằng cộng đồng viết blog ở Việt Nam không hề ít chút nào.

Ai lại không thích mình trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến? Khi có tiếng tăm rồi, mọi công việc của bạn sau này cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn một tẹo, có nhiều mối quan hệ quan trọng hơn nữa và quan trọng là dễ kiếm tiền.

2. Viết blog để kiếm tiền


Kiếm tiền với blog
Kiếm tiền với blog giờ không phải chuyện lạ.


Kiếm tiền trên blog dường như bây giờ đã có câu trả lời: CHẮC CHẮN. Nếu bạn đã từng bỏ chút thời gian ra tìm hiểu về việc viết blog kiếm tiền tại Việt Nam và cả nước ngoài thì sẽ thấy nhiều blogger có thu nhập vô cùng vãi chưởng, vãi thật đấy chứ không đùa đâu.

Mình đã từng thấy rất nhiều đã kiếm được từ vài nghìn USD đến vài chục nghìn USD mỗi tháng nếu chỉ tính tại Việt Nam và con số có thể lên đến hàng trăm nghìn nếu nhìn rộng ra thị trường này ở nước ngoài.

Vì sao blog lại có thể kiếm được nhiều tiền như vậy? Bản thân bạn cũng đã có câu trả lời rồi, đó lại chính là lý do mà bạn thích đọc blog hơn đọc các trang tin tổng hợp đấy. Ở blog luôn có một sức cuốn hút rất riêng mà các website thể loại khác không bao giờ có được, các thông tin ở blog tuy chưa được kiểm chứng nhiều nhưng hầu hết là rất chính xác và có phần rất chuyên sâu vì nó viết ra từ chính kinh nghiệm của người từng trải để phục vụ cho người thật sự có nhu cầu. Hơn nữa, mức độ ảnh hưởng của một blogger cũng có phần khác biệt hơn với mức độ ảnh hưởng của một tờ báo.

Nếu không phải “bán” uy tín, mức độ ảnh hưởng của blogger để kiếm tiền thì cũng có rất nhiều hình thức kiếm tiền cơ bản từ blog khác mà hầu như các blog nào cũng áp dụng như treo quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, bán sản phẩm và thậm chí mở luôn một công ty mang tên blog (JohnChow, Problogger là một ví dụ).


3. Viết blog để tự học


Luôn luôn học hỏi để trở thành blogger chuyên nghiệp

Bạn muốn học và nghiên cứu thêm về kinh tế, bạn tập viết nhiều bài phân tích liên quan đến kinh tế để tự rèn luyện? Nghe cũng có lý lắm đó chứ, mà thật sự là cũng rất có khả thi, mình đang áp dụng kiểu học như thế.

Nói mọi người đừng mất lòng tin với mình, chứ lúc mình tạo ra cái blog này mình không có biết nhiều về SEO, viết blog và WordPress như bây giờ đâu. Tất cả chỉ là con số 1 (không phải là 0 vì ít nhất cũng biết sơ sơ), nhưng trong thời gian viết blog mình đã tận dụng sở thích của mình để tự học thêm về các lĩnh vực đó và nó có hiệu quả rất tốt.

Lý do để mình có thể học được là khi blog bắt đầu có lượt truy cập rồi, trong lòng mình tự hỏi làm sao để có thể duy trì blog mà bản thân lại không có kiến thức nhiều? Thay vì chán nản bỏ cuộc, mình chấp nhận chơi liều là viết bài theo kiểu “tối nghiên cứu, sáng mai viết”.

Thật sự, cách này đã cho mình rất nhiều động lực phi thường mà tưởng chừng mình không thể làm được. Nhiều đêm mình “hard-study” đến mức bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu lúc 21 giờ và kéo dài đến tận 7 giờ sáng ngày hôm sau. Ngủ một giấc và 14 giờ cùng ngày bắt đầu cặm cụi viết cho kịp “deadline”.

Nghe thì có vẻ không khả thi và không thể tránh khỏi chuyện sai sót khi viết vội như vậy, nhưng bạn đừng quên rằng quãng thời gian từ 21 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau không hề ngắn để học. Hơn nữa về các vấn đề kỹ thuật đối với mình đã có căn bản nên chuyện học một công nghệ mới không khó, học và thực hành liên tục để tìm ra lỗi để mà chia sẻ. Và cũng đừng quên, bài viết đó sẽ nằm trên blog cá nhân của bạn nên không nhất thiết phải hoàn hảo 100% như những cuốn sách được đăng bán, độc giả có thể giúp bạn hoàn thiện nó hơn.

Độc giả của bạn là những đối tượng nào?


Làm sao để có hướng phát triển nội dung đúng đắn nếu bạn không biết đối tượng chính của bạn là ai để mà phục vụ? Ví dụ đơn giản như nếu bạn viết blog về thời trang thì phải biết các đối tượng phần lớn là nữ nên bạn cần có kế hoạch tìm giao diện phù hợp với nữ, phong cách hành văn hợp với nữ và nội dung cũng phải phù hợp với phái nữ,….

Hãy tự đặt câu hỏi với chính bản thân: Ai sẽ đọc blog này? Độ tuổi từ bao nhiêuHọ thuộc loại độc giả nàoGiới tính của họ phần lớn là gì?,….Hãy trả lời tất cả câu hỏi đó, vì mình đoán rằng chúng ta không thể hái ra tiền và phát triển blog một cách lâu dài được trước khi biết được độc giả của chính mình là ai.

Hãy biết bạn cần gì ở độc giả


Không ai nói là khi làm blog bạn chỉ cần độc giả vào đọc bài thôi cả, mình nghĩ là tham vọng của bạn còn hơn cả thế, đúng không? Hay nói chính xác hơn, là hãy biết rằng bạn muốn độc giả tác động đến gì của bạn sau khi đọc blog.

Bạn muốn họ mua sản phẩm của bạn? Bạn đang có cuốn sách cần bán? Bạn cần họ click quảng cáo? Bạn thích họ viết bình luận? Hay đơn giản là muốn họ chia sẻ và giới thiệu bài viết đó với bạn bè?

Bởi vì khi bạn biết được bạn cần gì, thì bạn mới có được kế hoạch viết bài, phát triển nó ra sao chứ không thì lại khá lúng túng đấy.

Hiểu được mình sẽ viết gì ở blog


Như mình đã nói trong bài Trở thành blogger, một blog thật sự chuyên nghiệp và có đầu tư sẽ không bao giờ đăng tải quá nhiều nội dung khác lĩnh vực trên đó mà thường là chỉ tập trung vào một lĩnh vực mà người viết thành thạo nhất hoặc ít nhất là cảm thấy thích thú khi viết nó. Bạn có thể viết 1 hoặc 2 lĩnh vực nhưng mình nghĩ tốt nhất là không quá 3, vì về sau bạn sẽ không có đủ thời gian mà lo cho hết, đâm ra bài nào cũng kém chất lượng hoặc không focus vào đúng đối tượng độc giả mà bạn cần.

Quan trọng hơn nữa, bạn cũng cần phải xem bài viết đó bạn có thể viết được trong bao lâu? Nếu bạn thấy rằng bạn có thể duy trì các nội dung đó liên tục trong 2 năm thì mình nghĩ đó là chủ đề rất tốt để bạn có thể chọn để viết trên blog, đừng để xảy ra tình trạng cả thèm chóng chán, về sau không biết viết gì nữa lại đâm ra nản.

Một kinh nghiệm quan trọng của mình cho thấy rằng, đừng bao giờ chọn chủ đề viết khi bạn chưa thật sự trả lời được nhiều câu hỏi liên quan tới vấn đề đó.

Hãy chắc chắn bạn có thể viết 2 bài/tuần ở chủ đề bạn thích


Tại sao lại là 2 mà không phải 3, 4 hoặc nhiều hơn? Nó chỉ là một con số đẹp để đăng bài mỗi tuần cho các blog mới mở vì nhiều quá sẽ đâm ra bị loãng nội dung với những người mới mà nếu chỉ có 1 thì lại tí quá để họ có thể tin tưởng và subscribe blog của bạn.

Nhưng thật ra con số 2 bài này muốn nói lên rằng bạn đã  đo lường được số lượng nội dung bài bạn có thể viết ra hay chưa, vì làm blog là bạn phải theo nó mãi nên bạn sẽ cần viết liên tục, viết không ngừng nghỉ về kinh nghiệm của bản thân. Nếu nó ít hơn thì mình nghĩ là chủ đề đó không thật sự thích hợp với bạn.

Kế hoạch quảng bá thương hiệu blog rõ ràng


Quy trình quảng bá blog mới luôn có rất nhiều cách khác nhau mà bạn có thể áp dụng. Nhưng trong đó hãy tránh xa ra các kiểu quảng bá blog kém khoa học và tốn công sức như spam link giới thiệu, bon chen đăng tải các thông tin giật gân,…đều đã lỗi thời và không có tính hiệu quả cao, ngược lại bạn còn bị người ta ghét nữa thì vỡ alo.

Thường thì quảng bá blog hiện nay đa phần cũng là viết thôi, đó chính là cố gắng viết nội dung thật hay và bổ ích để tạo được viral và tham gia viết bài ở các blog nổi tiếng khác để quảng bá tên tuổi, tất nhiên là nội dung cũng phải thật sự có ích thì người ta mới nhớ như vậy.

Nhân tiện mình cũng nhắc lại rằng, hãy chuẩn bị khoảng 10 bài ở blog rồi hãy bắt đầu đi quảng bá cũng như làm guest blog cho người khác để chắc chắn khi có người truy cập vào sẽ nhận ra ngay sự đầu tư đúng đắn mà có thể tin tưởng được Hoặc là có thể làm họ phải đọc hết các bài đó thì càng tốt.


LỜI KẾT


Mình nghĩ bài viết này có thể hơi dài đối với nhiều bạn, nhưng nó dài cũng có lý do riêng của nó và nếu bạn chịu đọc một chút để có một cái blog tốt hơn từ những kinh nghiệm của mình thì cũng không phải phí công đọc đúng không nào.

Nếu bạn còn những thắc mắc nào chưa được giải đáp liên quan đến việc lập kế hoạch tạo blog cá nhân sau khi đọc bài này thì đừng ngần ngại cho mình biết ở phần bình luận nhé, biết đâu được mình có thể giúp bạn tốt hơn nữa.

Chúc các bạn sớm có một blog phát triển ngoài mong đợi!


TAGS:


About the author

thinhlu123

Name: vũ đức thịnh

Subscribe 0
160