bây giờ tôi sống cho tôi (continue)

Posted on at


Dù làm theo ý mình nhưng đi giỗ một mình chị cũng không vui và bắt đầu suy ngẫm. Thực ra chị cũng không hề muốn đến dự cái đám giỗ này nhưng không đi chị thấy mình bạc tình, chính xác hơn là sợ bị người ta nói mình bạc tình. Chị áy náy nếu bỏ cái nơi chán ngắt này để qua dự cái tiệc đình đám bên kia nhưng ở lại thì chị cũng thấy rõ là mình đang “cố” chứ không thực lòng. Nhìn những người đến ăn giỗ buổi trưa mà tội. Họ tranh thủ đội nắng đi mua hoa trái mà tới. Những người đến buổi chiều thì đa phần còn mặc đồ đi làm, mặt mũi đã mệt mỏi. Nhưng có lẽ đa số đều nghĩ: “Mình không làm vậy thì coi sao được, hồi xưa mình từng thân thiết với anh, giờ anh ra đi, chị vợ mời, lẽ nào mình lại quay mặt đi”.


Buổi sáng đi bộ với Mây, nghe cô trả lời điện thoại:


- Thôi, quen biết thân thiết gì mà đi, mình không đi đâu.


Một chị khác nghe vậy bèn góp lời:


- Tối qua mình cũng mới bỏ một cái đám cưới. Có thân thiết quen biết gì mà cũng mời gọi. Nhớ có mấy lần đến trung tâm tiệc cưới, bỏ quên cái thiệp ở nhà là coi như huề, chẳng biết cô dâu chú rể nào mà vào bàn. Điện thoại của người mời mình cũng không có…


Mây nghe vậy chen vào:


- Mấy cái thiệp mời đó là em dứt khoát trả lời không đi. Mắc gì tự nhiên vô đó chịu hành hình với tiếng nhạc ầm ầm chẳng nói năng gì được. Mà được ngồi với người quen còn đở, ngồi với người lạ còn ngán ê chề nữa. Sợ mất lòng thì mình gửi tiền chứ mình không muốn vừa mất tiền, vừa mất cái hạnh phúc được thoải mái ở nhà.


Chi nãy giờ lặng thinh bỗng lên tiếng:


- Nhưng người ta có quí mình người ta mới mời…


- Có thực sự là người ta quí mình không hay người ta chỉ muốn đám cưới thêm “xôm” vì một lý do gì đó…


- Không hẳn vậy đâu chị, đôi khi mình phải mời những người bà con dưới quê lên, họ đi có mấy chục đồng ngàn đồng ở những nhà hàng năm sao thì lời lõm chỗ nào. Cái lễ ở Việt nam nó vậy đó…


- Nghĩa là những người ở dưới quê đó phải bỏ công bỏ việc lên ăn cái đám cưới mà chưa chắc gì họ muốn đi, nhất là họ nghèo nữa, “ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày”…


- Nhưng sự đời nó kỳ vậy đó. Được mời thì than thở, không được mời thì giận dỗi.


Mây lại vẫn kiên quyết:


- Giận em cho giận tuốt. Lòng em không muốn đi thì em không cần phải miễn cưỡng. Tại sao lại không dám sống thực mà phải dối mình dối người vậy.


- Chị nói vậy, tới đám của con chị…


- Mình hả? Một đám cưới nhỏ, chỉ có những người thật sự quan tâm tới hạnh phúc của con mình mình mới mời, không miễn cưỡng mời tràn đồng, ai giận chịu. Như hôm đám ma ba mình, mình không báo ai hết. Cơ quan họ trách, mình nói đó là chuyện riêng. Mấy người đó có biết ba mình hồi nào đâu mà gọi là “Vô cùng thương tiếc”. Thực tình ông cụ sống đời thực vật hơn năm năm, gia đình còn không “tiếc” lấy gì mà người dưng tiếc thương chứ.


- Chị Mây sống mới quá. Chứ xã hội hồi nào giờ đám ma đám cưới là người thân, bạn bè phải hiếu hỉ…


- Hiếu hỉ là cái tốt nếu có thật tâm. Còn cứ theo những ước lệ của xã hội thì mình không theo, hủ tục thì nên bỏ đi chứ, biết sai mà không ai dám sửa, bao giờ xã hội mới tiến bộ.


Nghe các bạn tranh cãi Ngọc Chân lại nhớ tới chuyện chồng mình, từ hồi nào giờ anh là con người mẫu mực, đột nhiên một ngày đẹp trời anh nổi loạn, anh dám sống cho mình. Còn chị nổi tiếng là người thành thật với đời nhưng chị đã không dám thành thật với lòng.



About the author

160